Trang Blog

AWS quản lý và duy trì các trung tâm dữ liệu của mình như thế nào?

Written by Thanh Nguyen | Tue, Oct 2, 2018

Amazon Web Services (AWS) chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện toán đám mây theo yêu cầu cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ. Có thể nói, các gói dịch vụ của AWS tạo thuận tiện tuyệt đối cho người dùng, có thể truy cập mọi lúc mọi nơi.

Đọc thêm: 7 lợi ích chính của điện toán đám mây cho doanh nghiệp

Chúng ta đều biết những lợi ích mà dịch vụ của AWS đem đến cho người dùng nhưng không phải ai cũng biết được làm thế nào AWS có thể duy trì mạng lưới an ninh, đảm bảo mọi nền tảng công nghệ, dịch vụ của họ luôn vận hành suôn sẻ 24/7. Vấn đề trên sẽ được thảo luận trong bài viết hôm nay!

Định nghĩa thế nào là AWS Region, Availability Zone, Data Centre

Tính đến thời điểm hiện tại, AWS đã hiện diện tại 190 quốc gia. Mạng lưới điện toán đám mây rộng khắp nhiều khu vực và quốc gia cho phép doanh nghiệp triển khai nền tảng công nghệ nhanh chóng, cải tiến thường xuyên, mở rộng hoặc thu hẹp quy mô tùy theo nhu cầu, và quan trọng hơn cả là thực hiện tất cả mọi việc vừa nêu chỉ trong vòng vài giờ, vào bất kỳ thời điểm nào, thay vì phải chờ hàng tuần, thậm chí hàng tháng, như trước đây.

Infographic: Lợi ích kinh tế của ERP đám mây (Cloud ERP)

Trung tâm dữ liệu (data centre)

Trung tâm dữ liệu là một cơ sở chứa mọi trang thiết bị IT như server, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng, router, firewall… đồng thời đây cũng là nơi chứa những thiết bị khác như hệ thống cấp điện, hệ thống làm mát, máy phát điện dự phòng, thiết bị viễn thông… Mỗi trung tâm dữ liệu có thể chứa từ 50.000 đến 80.000 server.

Trung tâm dữ liệu cũng là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu của khách hàng, chính vì vậy mà trung tâm dữ liệu là tài sản quan trọng bật nhất không chỉ đối với AWS mà đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Trung tâm dữ liệu cần được cả con người và công nghệ bảo vệ nhằm chống lại những mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài và phòng chống cả những thiên tai có thể xảy ra.

AWS Availability Zone

Mỗi Availability Zone sẽ tập trung một hoặc nhiều trung tâm dữ liệu. Availability Zone được lập ra để đảm bảo mọi thành phần thiết yếu của AWS luôn hoạt động tốt và có đủ năng lực dự phòng cho trường hợp khẩn cấp.

Mỗi Availability Zone hoạt động độc lập nhưng vẫn kết nối với nhau thông qua hệ thống mạng cáp quang tốc độ cao riêng nhằm tạo thuận tiện cho việc di chuyển dữ liệu giữa các Availability Zone trong cùng một khu vực (region).

AWS Region

Mỗi AWS Region tập trung một hoặc nhiều Availability Zone (North Virginia hiện là khu vực tập trung nhiều AWS Availability Zone nhất với 6 zone). Ngoài việc sao lưu dữ liệu giữa các Availability Zone trong cùng một khu vực (region), người dùng còn có thể lựa chọn sao lưu dữ liệu giữa các khu vực khác nhau, đồng thời tận dụng cả hệ thống mạng chung hoặc riêng để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh luôn diễn ra suôn sẻ, không bao giờ bị gián đoạn.

Hiện tại, AWS có khoảng 55 Availability Zone trải dài trên 18 khu vực địa lý khác nhau. Dự định con số này sẽ gia tăng trong tương lai nhằm đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn dịch vụ phong phú hơn.

Truyền tải dữ liệu

Lo lắng khối lượng dữ liệu khổng lồ doanh nghiệp bạn đang sở hữu sẽ làm gián đoạn quá trình tích hợp dữ liệu? Mỗi thiết bị AWS Snowball Edge có thể truyền tải 100TB dữ liệu cùng một lúc lên cloud một cách dễ dàng và nhanh chóng.

4 lớp an ninh bảo vệ tại trung tâm dữ liệu của AWS

Như đã đề cập ở trên, trung tâm dữ liệu là tài sản quan trọng bật nhất của AWS. Để tạo dựng những Availability Zone và Region vững chắc thì những trung tâm dữ liệu cần phải an toàn tuyệt đối. Có bao giờ bạn tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi có bão lớn hoặc động đất xảy ra tại khu vực trung tâm dữ liệu?

Bạn có thể an tâm rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất, các nền tảng AWS vẫn hoạt động tốt. Tất cả là nhờ những biện pháp đề phòng, đánh giá, kiểm định và chiến lược bảo mật an ninh chặt chẽ cho mọi trung tâm dữ liệu của AWS trên thế giới.

AWS thiết lập 4 lớp an ninh tại mỗi trung tâm để bảo vệ tối đa dữ liệu trước mọi nguy cơ và thiên tai. Trang thiết bị của mỗi trung tâm có thể tăng hoặc giảm tùy theo khu vực nhưng 4 lớp an ninh vẫn không thay đổi.

Lớp môi trường

Lớp môi trường là vị trí địa lý thích hợp để đặt trung tâm dữ liệu. AWS chú trọng sử dụng các nguồn nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường. AWS cam kết trong tương lai tới sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại mọi trung tâm dữ liệu. Từ khi chuyển sang các nền tảng đám mây thay vì duy trì máy chủ tại chỗ, lượng carbon AWS thải ra hằng năm đã giảm đến 88%.

Lớp vành đai

Lớp vành đai bao gồm nhân viên bảo vệ, hàng rào, máy chống trộm và những trang thiết bị an ninh cần thiết khác được lắp đặt tùy vào địa điểm đặt trung tâm lưu trữ.

Mỗi nhân viên hoặc khách nếu muốn được cấp thẻ lưu hành để ra vào trung tâm phải trải qua quy trình giám định chặt chẽ, với lý do và nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Khi nhiệm vụ hoàn thành, thẻ lưu hành sẽ lập tức bị hủy bỏ.  

Đọc thêm: 'Transformers' và bài học về an ninh mạng doanh nghiệp

Những nhân viên thường xuyên ra vào trung tâm chỉ được cấp thẻ lưu hành tới duy nhất những bộ phận cần thiết, quyền truy cập của họ bị hạn chế và thường xuyên được đánh giá lại, kể cả quản lý vùng cũng trải qua quy trình tương tự.

Lớp cấu trúc hạ tầng

Lớp này đảm bảo cho mọi trung tâm dữ liệu luôn hoạt động tốt. Tất cả mọi thứ liên quan đến cơ sở hạ tầng như trang thiết bị dự trữ, hệ thống thông gió, điều hòa, phòng cháy chữa cháy…

Tất cả trang thiết bị, máy móc, mạng lưới phải thường xuyên được kiểm tra tổng quát, lưu trữ đúng cách và trang bị cả dụng cụ phòng bị trong trường hợp khẩn cấp. Việc có dư thiết bị, nước, điện, internet cho đến dụng cụ là nhằm đảm bảo hoạt động tại trung tâm dữ liệu không bao giờ bị gián đoạn.

Lớp dữ liệu

Lớp duy nhất lưu trữ dữ liệu của khách hàng. Tương tự như những lớp khác, quyền truy cập/ lưu hành tại lớp này cực kỳ hạn chế và luôn được quan sát chặt chẽ bởi camera an ninh.

Bất kỳ nguy cơ tấn công hoặc đe dọa nào sẽ lập tức kích hoạt hệ thống báo động, camera và thông báo cho đội ngũ nhân viên an ninh. Trong trường hợp vi phạm xảy ra, mọi server sẽ đồng loạt ngưng hoạt động.

Hệ thống an ninh của AWS được một bên thứ ba giám định thường xuyên. Các yêu cầu giám định vượt hơn con số 2.600 một năm. Cơ quan trung gian này đồng thời cũng kiểm tra toàn bộ hình ảnh từ camera an ninh, kiểm định chất lượng và tình trạng của các trang thiết bị, máy móc, hệ thống nhằm một lần nữa khẳng định mọi thứ luôn trong trạng thái tốt nhất.

Một phần trong chiến lược an ninh của AWS là liên tục kiểm tra các biện pháp an ninh, tốc độ phản ứng của nhân viên và tình trạng của các trang thiết bị bằng cách mô phỏng các trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra trong thực tế. Nhân viên được đào tạo thường xuyên nhờ đó mà họ có thể phản ứng nhanh chóng và chính xác nhất khi gặp sự cố.

Tính sẵn có và độ phản hồi tức thì của hệ thống cho phép mọi khách hàng của AWS hồi phục dữ liệu nhanh, đạt mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra, vô vàn khả năng và tiện ích thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và hạn chế tối đa nguy cơ dữ liệu bị đánh cắp.