Trang Blog

4 điều nhà bán lẻ cần biết trước khi chọn vị trí mở cửa hàng

Written by Hai Nguyen | Thu, Jun 21, 2018

Địa điểm cửa hàng là một quyết định quan trọng hàng đầu cho nhà bán lẻ. Nó sẽ quyết định tương lai phát triển của nhà bán lẻ trong vòng 5, 10 và 20 năm sau. Nhiều vị trí có thể tiêu tốn cả một gia tài của nhà bán lẻ nhưng nó lại có tầm ảnh hưởng sâu rộng từ hình ảnh thương hiệu, chiến lược kinh doanh và quảng bá sản phẩm dịch vụ cũng như sự thành công của một thương hiệu mới.

Sau đây là 4 điều mà một nhà bán lẻ cần xem xét trước khi chọn vị trí cửa hàng:

1. Loại hình kinh doanh

Trước khi chọn vị trí mở cửa hàng, bạn cần hiểu rõ chính mình. Bạn kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ? Điều này sẽ ảnh hưởng đến diện tích sử dụng và mục đích sử dụng của các diện tích ấy. Nếu bạn bán sản phẩm, bạn sẽ phải đo đạt và tính toán diện tích sử dụng cho lưu kho, bày biện sản phẩm, lối đi cho khách giữa các gian hàng, quầy tính tiền và các mục đích khác. Còn nếu bạn cung cấp dịch vụ đến khách hàng, bạn sẽ cần phải xem xét không gian cho văn phòng, số lượng nhân viên. Một khi bạn đã hình dung ra khách hàng của bạn sẽ mua sắm như thế nào, thì bạn sẽ có được tầm nhìn tốt hơn về cửa hàng của mình.

2. Khách hàng mục tiêu

Tiếp theo bạn cần phân tích đối tượng khách hàng của mình. Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn hiểu rõ đối tượng khách hàng với nhu cầu chọn vị trí mở cửa hàng:

  • Hành vi mua sắm của khách hàng mục tiêu trong khu vực gần đó như thế nào?
  • Khách hàng của bạn sẽ bằng lòng đi bao xa để đến với cửa hàng của bạn?
  • Xu hướng phát triển của khu vực đó như thế nào đối với các mặt như dân số, thu nhập, tuổi tác trong 5, 10 và 20 năm tới?
  • Khách hàng mục tiêu của bạn dùng phương tiện giao thông như thế nào trong khu vực đó? Họ đi bộ, xe hơi hay xe máy? Và tần suất của mỗi phương tiện đó là bao nhiêu?
  • Khách hàng mục tiêu của bạn thường mua sắm vào những giờ nào trong khu vực đó?

Tất cả thông tin đó đều cần được tìm hiểu và phân tích kỹ vì nó sẽ hướng bạn đến một quyết định mang tính chiến lược lâu dài. Điều này có thể sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian và nhân lực của bạn, nhưng nó đáng vì bạn không muốn bỏ ra một số tiền lớn mà không có lý do mục đích xác thực.

3. Đối thủ cạnh tranh

Có hai loại đối thủ mà bạn cần phân tích: đối thủ mang hiệu ứng tích cực và đối thủ mang hiệu ứng tiêu cực. Đối thủ mang hiệu ứng tiêu cực là những cửa hàng bán lẻ bán cùng một mặt hàng với bạn nhưng khách hàng mục tiêu của họ lại trái ngược với bạn. Ví dụ: mặt hàng của bạn là mỹ phẩm và khách hàng mục tiêu của bạn có lứa tuổi từ 18-30 tuổi, và bên cạnh bạn toàn là những nhà bán lẻ mỹ phẩm cho lứa tuổi 30-50. Những người ở lứa tuổi 18-30 sẽ có thể chẳng bao giờ muốn đến khu vực đó cả, nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến cửa hàng của bạn.

Trong khi đó, đối thủ mang hiệu ứng tích cực là những nhà bán lẻ bán những mặt hàng tương tự với bạn và họ cũng có khách hàng mục tiêu tương tự với bạn. Đó chính là lý do tại sao nhiều nhà bán lẻ lại muốn đặt cửa hàng của mình tại các trung tâm mua sắm hoặc các địa điểm mua sắm nổi tiếng của thành phố.

4. Kế hoạch phát triển và các quy định

Nắm rõ quy định và hướng phát triển của khu vực địa phương là một điều cần thiết và tối quan trọng. Nếu bạn muốn sửa chữa hay xậy dựng lại cửa hàng, bạn cần phải xin phép ai, ở đâu, hoặc có bất kỳ quy định nào mà bạn phải tuân thủ trong quá trình sửa chữa hay không.

Ngoài ra, bạn cũng phải tìm hiểu có bất kỳ quy định gì ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bán hàng không. Nếu bạn muốn bật nhạc lớn trong thời gian quảng bá sản phẩm hay các chương trình khuyến mãi, bạn có được phép hay không?

Đây là những điều mà ít nhà bán lẻ nào để ý ngay từ đầu cho đến khi đưa vào hoạt động, nó sẽ làm thay đổi chiến lược phát triển và thậm chí ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng.