Nguồn: http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20160504/Quyet-doan-lua-chon-nga-re-su-nghiep.aspx
Khi mới đến Việt Nam, ông Rick Yvanovich (ảnh) - người điều hành CIMA khu vực Đông Nam Á, Tổng giám đốc TRG International - đã mạnh dạn đặt nền móng ban đầu cho lĩnh vực hoàn toàn mới phần mềm kế toán Sunsystems, sau đó chuyển sang phần mềm quản lý tài chính, điện toán đám mây. Gần 25 năm phát triển, hiện nay TRG International đã có mặt trên 80 quốc gia, hoàn thành hơn 1.000 dự án lớn từ cấp chính phủ đến địa phương.
Người sáng lập và Tổng giám đốc công ty TRG International - Ông Rick Yvanovich
PHÓNG VIÊN: - Khởi nghiệp từ rất sớm ở quốc gia phát triển như nước Anh, nhưng ông lại chọn Việt Nam là nơi để bắt đầu con đường sự nghiệp. Ông có thể chia sẻ lý do gì ông lại đến đất nước xa xôi này?
Ông RICK YVANOVICH: - Nói đến lý do tôi lựa chọn Việt Nam là nơi bắt đầu phát triển sự nghiệp, là câu chuyện rất dài. Tôi từng làm chuyên viên kế toán trong vòng 6 năm. Năm 1988 tôi làm chuyên viên phân tích tại Công ty Dầu khí BP của Anh khu vực Mỹ Latin. Sau đó tôi chuyển đến khu vực Đông Á, chuyên trách về mảng thuế, dù thực chất công việc thiên về pháp lý hơn. Sau thời gian làm việc ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), với công việc chính là xác nhận những thông tin tài chính cần được cập nhật, tôi được đề bạt lên làm Giám đốc tài chính ở BP Trung Quốc. Bản hợp đồng còn chưa khô mực, tôi nhận được yêu cầu chuyển công tác từ Bắc Kinh tới Việt Nam với thời hạn hợp đồng 1 năm, bắt đầu hành trình mới tại đất nước các bạn. Tại thời điểm này, tôi là một trong 4 chuyên gia nước ngoài của BP tại TPHCM.
- Ông đến Việt Nam khai thác mảng còn rất mới mẻ, với việc triển khai nhiều dự án công nghệ phần mềm, đặc biệt việc thành lập Công ty TRG Internatioanal?
- Từ những trải nghiệm về phần mềm kế toán Sunsystems tôi đã cài đặt và sử dụng ở Trung Quốc và Việt Nam, năm 1994 tôi quyết định thành lập Công ty TRG Internatioanal. Trong số bạn bè và những người tôi quen biết có rất nhiều người là giám đốc tài chính trong những công ty dầu mỏ khác. Họ hỏi tôi về hệ thống phần mềm kế toán BP đang sử dụng, sau đó yêu cầu tôi giúp cài đặt hệ thống này. Sau khi tôi rời BP, các công ty cung cấp giải pháp công nghệ muốn tôi làm đại lý phân phối cho họ, bởi tôi đã có kinh nghiệm trong sử dụng và cài đặt các phần mềm của họ. Tôi bắt đầu công việc mới này khi thực hiện những dự án theo yêu cầu từ bạn bè, đồng nghiệp. Khi những người này chuyển sang công ty khác, họ tiếp tục yêu cầu tôi triển khai những hệ thống tương tự cho công ty mới. Nhờ đó tôi có thể dần mở rộng hoạt động sang phạm vi quốc tế.
Đến nay chúng tôi đã có khách hàng tại 80 quốc gia. Khi công việc ngày càng nhiều hơn, tôi bắt đầu tuyển thêm nhân viên, và khách hàng cũng muốn biết chúng tôi có thể cung cấp thêm giải pháp nào khác cho họ không. Vì vậy, danh mục sản phẩm của chúng tôi được bổ sung thêm hệ thống quản lý bán lẻ, quản lý nguồn lực DN (ERP), trí tuệ DN, phân tích số liệu và quản lý hiệu suất DN. Hiện nay chúng tôi có 250 nhân viên và vẫn tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động.
- Một sản phẩm công ty ông tập trung là công nghệ điện toán đám mây. Ông có thể chia sẻ thông tin về dự án này?
- Chúng tôi vừa trở thành đối tác thứ 2 tại Việt Nam của Amazon Web Services, nhà cung cấp hạ tầng điện toán đám mây lớn nhất thế giới hiện nay. Chúng tôi cung cấp giải pháp cho rất nhiều tổ chức với quy mô và tính chất khác nhau, từ những tổ chức phi chính phủ (NGO), DN tư nhân trong nước, cho đến các DN quốc doanh quy mô lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Những khách hàng chính của chúng tôi hoạt động trong ngành du lịch - khách sạn tại hơn 50 quốc gia. Chúng tôi cũng có nhiều đối tác lớn trong ngành dầu khí. Chúng tôi cũng đặc biệt tập trung vào các ngành sản xuất, giáo dục, bất động sản, tài chính và cả các lĩnh vực kinh doanh khác như giải trí, ẩm thực, nhân sự và truyền thông.
- Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về đất nước Việt Nam?
- Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế của khu vực, nhờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký bởi 12 quốc gia trong đó có Việt Nam, cũng như hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút một lượng đầu tư nước ngoài đáng kể. Hiện tôi đang là Chủ tịch Ủy ban phụ trách ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, thành viên Hội đồng Điều hành của Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam (BBGV), Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chi hội TPHCM. Tôi cũng đồng thời đứng đầu ban điều hành CIMA khu vực Đông Nam Á, đại diện cho tổ chức này tại nhiều sự kiện, và tham gia nhiều ủy ban cố vấn khác.
Tôi yêu đất nước Việt Nam. Có thể nói rằng cuộc sống của một người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không hề dễ dàng. Đa số người phương Tây vẫn chưa có nhiều thông tin về Việt Nam. Nhưng bản thân tôi rất thích cuộc sống tại đây, từ con người, văn hóa cho đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi thực sự cảm thấy quen thuộc với cuộc sống nơi đây và đã chứng kiến nhiều sự tiến bộ đối với các quy định về hệ thống kế toán và thuế, trong đó tôi cảm thấy cũng có phần đóng góp của mình. Vì vậy tôi muốn đóng góp phần công sức của mình vào sự phát triển ở nơi mà tôi xem là quê hương thứ 2 của mình. Vai trò đang đảm nhiệm tôi tin mình sẽ là sẽ cầu nối giữa Việt Nam với các nước, vì một nền kinh tế phát triển, mở rộng và hội nhập.
- Xin cảm ơn ông.