5 xu hướng công nghệ nào đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới? 5 xu hướng này vừa được trình bày bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu tại sự kiện “Customer Day 2015” do TRG International tổ chức trong tháng 10 vừa qua.
Hãy cùng khám phá những xu hướng đó ngay bây giờ và đưa công ty bạn đến với đấu trường quốc tế nhanh hơn và thành công hơn.
1. "Internet of Me" - Internet của tôi
Tại Consumer Electronics Show 2015 (CES - Triển lãm điện tử tiêu dùng) mới đây, khái niệm “Internet of Things” đã được phát triển thành “Internet of Me” (Internet của tôi) - tức mọi thiết bị sẽ được cá nhân hóa đến từng người dùng.
Điển hình, Samsung đã giới thiệu thiết bị quan sát giấc ngủ. Thiết bị này có thể xác định thời gian nào là tốt nhất để đánh thức bạn dậy dựa trên thói quen ngủ của bạn, sau đó nó sẽ truyền dữ liệu đến hệ thống đèn thông minh và đồng hồ báo thức của bạn. Và mạng internet chính là cầu nối để các thiết bị này có thể kết nối với nhau và hoạt động thành một chuỗi ứng dụng như vậy. Đây chỉ là một trong hàng trăm thiết bị áp dụng sự tiện lợi của internet vào đời sống thường nhật của con người được giới thiệu tại triển lãm CES năm nay. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật lại trở thành một trong những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm đối với những sản phẩm công nghệ này. Nếu bạn có ý định sử dụng bất kỳ sản phẩm công nghệ “Internet of Me” nào thì bạn nên suy nghĩ về vấn đề này.
2. Công nghệ hóa
Công ty Streetline đã triển khai một hệ thống cảm ứng và kết nối nó với mạng Internet. Hệ thống này cho phép người dùng xác định được vị trí của các điểm đỗ xe còn trống bằng điện thoại di động của họ. Bằng cách này, Streetline không phải cung cấp thêm sản phẩm hay dịch vụ gì nhưng vẫn cắt giảm được chi phí và tăng lợi nhuận lên 11%.
Bạn có thể thấy được kết quả công nghệ mang lại bắt nguồn từ điều mà khách hàng muốn: không cần phải tạo thêm sản phẩm hay dịch vụ. Đây cũng chính là định nghĩa của xu hướng công nghệ hóa doanh nghiệp.
3. Cuộc cách mạng của các trang mạng
Mô hình phát triển kinh doanh xoay quanh sản phẩm đã không còn mới mẻ nữa. Ngày nay, mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ trở nên thắng thế và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bạn có biết Facebook là công ty sản xuất truyền thông lớn nhất dù không tạo ra bất kỳ nội dung truyền thông nào. Uber là hãng taxi lớn nhất thế giới dù họ không sở hữu bất kỳ chiếc taxi nào; và Airbnb cũng là chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới dù họ không sở hữu bất kỳ khách sạn nào. Đây chính là sức mạnh của nền tảng công nghệ.
4. Doanh nghiệp thông minh
Mô hình kinh doanh mới này chuyển từ việc lấy quy trình làm trung tâm sang lấy thông tin làm trung tâm. Mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người doanh nghiệp như:
- Thông tin chính xác giúp đưa ra những quyết định mang tính chiến lược hơn
- Khả năng nhình thấy và chỉnh những dữ liệu rời rạc của cả doanh nghiệp
- Cung cấp giá trị kinh doanh có thể đo lường được từ các giao dịch trong khi vẫn giảm được chi phí và tăng hiệu suất làm việc
5. Tái cơ cấu lực lượng lao động
Hiện nay, những công ty hàng đầu thế giới là những công ty biết cách kết hợp hài hòa con người và máy móc với nhau. Sự kết hợp này được gọi là tái cơ cấu lực lượng lao động. Mô hình này ngày càng phát triển vì sự gia tăng không ngừng của các giao diện tương tác với người dùng, các thiết bị có thể mang theo trên người và các máy móc thông minh. Những công ty áp dụng mô hình này cần cung cấp các chương trình đào tạo thiết yếu giúp nhân viên có được những kỹ năng cần thiết để bổ sung những gì mà máy móc không thể làm được.
Các xu hướng này đều được kết nối với nhau và tạo ra một lối đi mới cho các doanh nghiệp. Sự phát triển của Internet và công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho các các doanh nghiệp. Phó tổng giám đốc công ty TRG - Ông Phạm Hồng Thái đã nhấn mạnh điều này trong buổi Customer Day do công ty TRG tổ chức: Đây chính là luồng gió mới cho sự phát triển trong tương lai của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp bước đến gần hơn với toàn cầu hóa, và mang các sản phẩm của Việt Nam ra đấu trường quốc tế.