Đạo đức nghề nghiệp là một khái niệm nhạy cảm đối với bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái. Theo một khảo sát được thực hiện bởi tổ chức ACFE (Association of Certified Fraud Examiners), suy thoái kinh tế đã gián tiếp làm gia tăng hành vi sai phạm, lừa đảo và gian lận trong nội bộ doanh nghiệp. Tại Việt Nam, hiện chưa có một báo cáo hay thống kê đầy đủ nào đánh giá về đạo đức nghề nghiệp trong công ty, nhưng nếu nhìn vào đánh giá chỉ số đánh giá tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra trong những năm gần đây, Việt Nam nằm trong nhóm nước đáng báo động về đạo đức nghề nghiệp trên thế giới.
Tuy nhiên, để có thể thành công và phát triển trong môi trường hiện nay, đạo đức nghề nghiệp lại chính là “tài sản vô hình quý giá nhất của người hành nghề”, theo bà Trịnh Hồng Nguyệt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Công trình nghiên cứu trong vòng 11 năm của hai giáo sư John Kotter và James Heskett từ trường đào tạo quản lý kinh doanh thuộc đại học Harvard, tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”, cũng cho thấy những công ty với chuẩn mực đạo đức cao đã nâng được thu nhập của mình lên đến 682% (so với công ty đối thủ với chuẩn mực đạo đức trung bình chỉ đạt được 36%), giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% và lãi ròng tăng tới 756%. Điều đó cho thấy đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi ích cho cả cá nhân người hành nghề và công ty.
Mỗi một nghề nghiệp thường có một chuẩn mực đạo đức riêng biệt. Mỗi một công ty lại có một chuẩn mực đạo đức phù hợp với văn hóa công ty đó. Sự tiến bộ của xã hội đòi hỏi người hành nghề trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cơ bản, nhằm đảm bảo cho nghề nghiệp, sản phẩm của ngành nghề và công ty được xã hội trọng dụng, tôn vinh. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng vậy, nó có đặc thù riêng so với các ngành nghề khác trong xã hội. Quyết định 87/2005/QĐ-BTC về việc ban hành và công bố Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam đã xây dựng các quy tắc đạo đức cơ bản bao gồm:
- Độc lập
- Khách quan và chính trực
- Bảo mật
- Năng lực chuyên môn và tính thận trọng
- Tư cách nghề nghiệp
- Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn
Một chuẩn mực đạo đức khác khuyến khích nâng cao đạo đức nghề nghiệp chính là chuẩn mực đạo đức CIMA. Chuẩn mực đạo đức CIMA đưa ra các tiêu chuẩn mà một người kế toán chuyên nghiệp phải có, bao gồm:
- Liêm chính (Integrity)
- Khách quan (Objectivity)
- Khả năng chuyên nghiệp và tận tâm (Professional competence and due care)
- Bảo mật (Confidentiality)
- Hành vi chuyên nghiệp (Professional behaviour)
Để dễ dàng nắm bắt các tiêu chuẩn đạo đức CIMA, bạn có thể theo dõi video dưới đây:
Những tiêu chuẩn trên nghe có vẻ nặng tính lý thuyết, do đó để hỗ trợ người đọc hiểu rõ hơn về các chuẩn mực đạo đức cũng như biết cách ứng dụng khi gặp phải một tình huống đạo đức khó xử, TRG sẽ cung cấp những tình huống mẫu (case studies) trong loạt các bài viết hàng tuần sắp tới về chủ đề này. Hãy theo dõi và cập nhật thông tin trên blog TRG thường xuyên và đừng bỏ lỡ các tình huống mẫu sắp tới.