Trong bài viết kỳ trước, chúng tôi đã hỏi bạn “Làm thế nào để tuyển dụng một nhóm hiệu quả gồm những nhân viên trẻ tuổi và năng động?” Hy vọng rằng bạn đã có câu trả lời cho riêng mình. Trên thực tế, chúng tôi đã được hỏi về điều này khá nhiều lần và khi quan sát, chúng tôi nhận thấy Trung Tâm Đánh Giá (Assessment Centre) là câu trả lời dành cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có chương trình Quản Trị Viên Tập Sự. Nhưng bạn thật sự tìm kiếm điều gì thông qua hoạt động này? Bằng cách gộp các ứng viên thành một nhóm và yêu cầu họ cùng nhau giải quyết một tình huống?
Chỉ trong vài năm gần đây, tần suất các công việc nhóm và hoạt động mang tính hợp tác đã tăng gấp đôi, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm những cá nhân sở hữu kỹ năng làm việc nhóm tốt. Trớ trêu thay, “thiếu kỹ năng làm việc nhóm” lại luôn là một trong những phàn nàn thường thấy với các ứng viên trẻ. Nhưng vì ngày càng nhiều ứng viên trẻ tham gia vào thị trường lao động, đã đến lúc chính bản thân họ và cả nhà tuyển dụng nên xác định và giải quyết những tác nhân khiến làm việc nhóm trở nên kém thú vị và đầy thách thức với bản thân họ.
Khoảng cách thế hệ
Bối cảnh này có lẽ đã quá quen thuộc:
Con trai/con gái: Ba mẹ chẳng hiểu gì hết.
Ba mẹ: Vào thời của ba mẹ, không ai cư xử như con hết.
Con trai/con gái: Kiểu như thế đã lỗi thời rồi! Ngày nay, ba phải làm như thế kia.
Đó là minh chứng điển hình cho khoảng cách thế hệ: sự khác biệt trong tư tưởng của cả hai. Việc trưởng thành trong những thời đại hoàn toàn khác nhau dẫn đến sự khác biệt trong giá trị, lòng tin và thậm chí sở thích của họ. Và khoảng cách này dễ dàng gây nên mâu thuẫn trong gia đình mỗi khi sự khác biệt được đem lên bàn cân so sánh.
Điều này cũng xảy ra tương tự trong doanh nghiệp. Lao động trẻ có thể chiếm đến 40% lực lượng lao động toàn cầu, nhưng cũng có những thế hệ khác trưởng thành trong thời đại hoàn toàn khác. Nhiều thế hệ với sự kỳ vọng và ưu tiên khác nhau cùng làm việc dưới một mái nhà sẽ dễ dàng dẫn đến việc “vơ đũa cả nắm” khi nhìn nhận thế hệ kia và khơi dậy mâu thuẫn.
Trong một nhóm gồm nhiều thế hệ, thành viên trẻ chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu bởi thành viên lớn tuổi hay bác bỏ lối tư duy mới và chỉ chọn phương pháp truyền thống. Trong khi đó, thế hệ đi trước sẽ cảm thấy mệt mỏi bởi tính bốc đồng và bướng bỉnh của thế hệ trẻ vì không tuân thủ quy định và luật lệ. Hệ lụy cuối cùng chính là buổi thảo luận nhóm trở thành cuộc chiến và không đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào.
Thiếu kỹ năng làm việc nhóm
Một sự thật mất lòng là mặc dù được đánh giá cao về khả năng tư duy, nhưng lực lượng lao động trẻ Việt Nam lại đang phải chật vật tìm việc. Theo các nhà tuyển dụng, lý do là vì chất lượng một số kỹ năng mềm của lực lượng lao động trẻ không đạt đủ tiêu chuẩn của họ. Không quá ngạc nhiêu nếu kỹ năng làm việc nhóm lại nằm trong danh sách đó. Với nhiều hoạt động trong và ngoài giờ ở đại học, thế hệ trẻ Việt Nam có khá nhiều cơ hội để làm việc nhóm và một số thậm chí còn tỏa sáng với vai trò lãnh đạo hay là thành viên trong nhóm. Thế nhưng họ lại thất bại hoàn toàn trong môi trường làm việc thực tế. Và cho dù họ làm tốt như thế nào khi đang ngồi trên ghế nhà trường, họ đều được gắn mác “thiếu năng lực làm việc nhóm”. Rất dễ để đưa ra nhận xét như vậy, nhưng liệu bạn có bao giờ tự hỏi kỹ năng làm việc nhóm là gì?
Một câu hỏi kỳ lạ, đúng không nào? Nhưng bạn nên lưu ý rằng kỹ năng làm việc nhóm khác rất nhiều so với kỹ năng lãnh đạo. Nếu bạn muốn lực lượng lao động trẻ của mình trở thành các nhà lãnh đạo mà không cần làm việc hiệu quả với tư cách là một thành viên, thì hẳn bạn đang xây nhà từ nóc.
Như bạn đã thấy, cả hai yếu tố này vô tình hay hữu ý đã “gắn mác” thế hệ trẻ là những nhân viên rắc rối. Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh khỏi việc thành lập các nhóm đa thế hệ hay đơn giản là nhắm mắt làm ngơ sự bất nhất của thế hệ trẻ khi làm việc nhóm. Đã đến lúc bạn nên đánh giá lại nhóm của mình để kịp thời phát hiện liệu nhóm cũng đang gặp phải rắc rối tương tự.
Đừng quên chia sẻ giải pháp của bạn với hai vấn đề trên và chúng tôi sẽ trở lại với câu trả lời trong bài viết thứ ba lần sau.