Trang Blog

4 ưu tiên chính cho các CFO hiện đại

Written by Thai Pham | Sun, Aug 5, 2018

Trong xu hướng công nghệ hóa, các lãnh đạo tài chính được mong đợi sẽ là những người tiên phong trong việc loại bỏ các quy trình truyền thống, những cách làm lỗi thời.

Vào tháng 7, Workday đã công bố nghiên cứu “Finance Redefined” hợp tác thực hiện với Longitude, khảo sát hơn 670 lãnh đạo tài chính trên khắp Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á Thái Bình Dương và Nam Phi để phân tích tầm nhìn, chiến lược của họ về tương lai của ngành tài chính.

Dựa trên kết quả nhận được, Workday đã xác định 4 ưu tiên có tác động lớn đến tương lai của ngành tài chính và khả năng hỗ trợ hoạt động kinh doanh: ứng phó với sự thay đổi, khai thác thông tin, năng lực lãnh đạo và quản lý nhân tài. Các giám đốc tài chính cần có những kỹ năng cần thiết này để giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức trong Cách mạng kỹ thuật số.

Ứng phó với sự thay đổi

Các CFO vốn quen thuộc với những biến động lớn trong ngành của họ. Để đối phó với những thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần tận dụng những dữ liệu được tạo ra không ngừng trong các hoạt động của họ.

Ngày nay, rủi ro lớn nhất đối với các giám tài chính bao gồm sự gia tăng các quy định pháp lý, tốc độ thay đổi / đột phá của công nghệ, rủi ro về chính trị và tình trạng không ổn định. Tuy nhiên, chỉ có 39% số người được hỏi hoàn toàn tự tin về khả năng quản lý rủi ro của họ.

Các doanh nghiệp quy mô lớn cho biết rào cản để cải thiện quản lý rủi ro là do thiếu những dữ liệu cần thiết. Hệ thống kế thừa và hệ thống dữ liệu kém hiệu quả sẽ không thể cung cấp dữ liệu có giá trị, đồng thời, chỉ có vài doanh nghiệp có khả năng truy cập vào toàn bộ nguồn dữ liệu và kết hợp với dữ liệu bên ngoài nhằm xây dựng mô hình dữ liệu và phân tích dự đoán để củng cố quản lý rủi ro.

Việc các nhà lãnh đạo tài chính tìm kiếm sự hỗ trợ từ công nghệ là không thể tránh khỏi. Với một giải pháp phù hợp, các giám đốc tài chính có thể nhanh chóng tìm ra dữ liệu quan trọng, chất lượng cao nhằm hỗ trợ các quyết định có tính rủi ro cao.

Đọc thêm: 3 bước vượt qua thách thức của báo cáo tài chính doanh nghiệp

Khai thác thông tin

Công nghệ phân tích dữ liệu có thể giúp các giám đốc tài chính dự báo doanh thu chính xác, và biến đổi hoàn toàn trách nhiệm cốt lõi của tài chính trong doanh nghiệp. Dữ liệu thu thập được cùng với công nghệ phân tích nâng cao sẽ cung cấp các insight hữu ích, thúc đẩy tăng trưởng và chiến lược. Tuy nhiên, chỉ có 35% số người được khảo sát cho biết rằng họ đang ứng dụng phân tích nâng cao trong các lĩnh vực tài chính quan trọng như lập kế hoạch, lập ngân sách và dự báo.

Thách thức lớn nhất cho các chuyên gia tài chính khi áp dụng phân tích nâng cao là tích hợp dữ liệu tài chính và phi tài chính với nhau. Dữ liệu phi tài chính bao gồm nhiều lĩnh vực, từ dữ liệu khách hàng đến dữ liệu vận hành và chúng thường không có cấu trúc hoặc có bán cấu trúc.

Do đó, những dữ liệu này cần trải qua quá trình chuyển đổi để tương thích với mục đích sử dụng. Đồng thời, nhiều phòng tài chính vẫn đang làm việc với nhiều hệ thống khác nhau, vì vậy cần tốn nhiều thời gian hơn để tổng hợp và so sánh dữ liệu thay vì phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà lãnh đạo tài chính cần đảm bảo rằng bộ phận của họ đóng vai trò quan trọng trong quản lý nguồn dữ liệu của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là bộ phận tài chính cần cộng tác với các chuyên gia CNTT để xác định những dữ liệu có giá trị, chuyển đổi hệ thống, loại bỏ các rào cản dữ liệu và hệ thống kế thừa.

Khai thác dữ liệu một cách thông minh tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo tài chính sở hữu những dữ liệu đáng tin cậy, mạnh mẽ có thể sử dụng được để tái cấu trúc luồng thông tin trong doanh nghiệp.

Đọc thêm: Loại bỏ Excel trong kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách: xu hướng hiện đại của các CFO

Lãnh đạo chiến lược

Công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây và vai trò của các CFO cũng đã thay đổi đáng kể. Các CFO đóng vai trò chiến lược trong doanh nghiệp và chịu trách nhiệm đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Các lãnh đạo tài chính phải xác lập và xây dựng mối quan hệ hiệu quả với các thành viên khác của ban giám đốc (C-suite) - từ phòng CNTT đến Nhân sự, và từ Tiếp thị đến Vận hành. Việc hợp tác với Giám đốc Thông tin (CIO) và Giám đốc Nhân sự (CHRO) được xem là rất quan trọng đối với các lãnh đạo tài chính.

Theo báo cáo, chỉ một số ít trong số các CFO được khảo sát có thể cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp khác thuộc C-suite. Mặc dù hai phần ba số người khảo sát đồng ý rằng sự hợp tác giữa CFO với CIO là rất quan trọng để tạo sự đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, nhưng việc  hợp tác này đang gặp một vài khó khăn. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết nguồn gốc là do bất đồng quan điểm giữa CNTT và tài chính, dẫn đến một vài giám đốc CNTT không muốn hợp tác với các đồng nghiệp chuyên ngành tài chính của họ.

Mặt khác, chỉ có 31% các lãnh đạo tài chính nói rằng họ có mối quan hệ chặt chẽ với giám đốc nhân sự. Nhưng tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 6%  khi nói đến mối quan hệ giữa CFO với cả CIO và CHRO. Để biến chiến lược công nghệ của doanh nghiệp thành hiện thực, các CFO cần phối hợp nhịp nhàng với các CIO để có sự đầu tư công nghệ phù hợp ,đồng thời các CHRO có thể giúp tuyển dụng nhân tài và xây dựng một quy trình KPI phù hợp.

Đọc thêm: Khi CFO đảm nhận vai trò của COO

Quản lý nhân tài

Mối quan tâm cuối cùng cho các CFO để thúc đẩy đổi mới công nghệ thành công là tuyển dụng một đội ngũ có thể tận dụng các công nghệ đó. Trên thực tế, các doanh nghiệp từ cỡ vừa đến lớn đều báo cáo rằng việc thiếu những kỹ năng cần thiết trong bộ phận tài chính là rào cản số một để đổi mới tài chính và cải thiện hiệu suất.

Để giải quyết vấn đề này, các lãnh đạo tài chính nên xem xét kĩ hai ưu tiên: đầu tiên, xác định lại các yêu cầu nhân sự cho ngành tài chính; và sau đó tìm một cách tiếp cận mới để tuyển dụng và phát triển kỹ năng.

Theo kết quả của cuộc khảo sát, người mà bộ phận tài chính cần nhất hiện tại là các nhà khoa học dữ liệu, xếp thứ hai là các chuyên viên thống kê. Do vai trò của tài chính đang dần thay đổi, chúng ta có thể thấy rằng các giám đốc tài chính đang ưu tiên chuyên môn về phân tích dữ liệu để có thể đem lại những insight giá trị, tạo cơ hội tăng trưởng và giảm rủi ro cho bộ phận tài chính trong tình hình đầy biến động.

Đồng thời, các lãnh đạo tài chính cũng phải thay đổi cách tuyển dụng truyền thống. Bằng cách mở rộng nguồn tuyển dụng nhân sự tiềm năng, và loại bỏ những khoảng cách năng lực trong đội ngũ hiện tại của họ để đảm bảo tài chính có thể đáp ứng nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp.