Tháng 9 năm 2016, phiên bản iPhone 7 cuối cùng cũng được Apple cho ra mắt sau biết bao chờ đợi từ các tín đồ smartphone. Nhưng Apple thì có liên quan gì đến chủ đề hoạch định kế nhiệm? Đây hoàn toàn không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Năm 2011, cuộc chuyển giao quyền lực chiếc ghế CEO của Apple giữa Steve Jobs và Tim Cook đã làm tốn rất nhiều giấy mực của báo giới. Từ nhiều năm trước đó, Steve Jobs đã thực hiện một kế hoạch kế nhiệm toàn diện, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Cook tiếp quản tập đoàn tâm huyết của mình. Và cho dù hiện tại phải hứng chịu nhiều chỉ trích về định hướng khác biệt so với Steve Jobs, Tim Cook vẫn đang khiến công chúng dõi theo chặt chẽ từng bước đi của Apple.
Nhưng không phải tổ chức nào cũng có được sự chuyển giao suôn sẻ như vậy. Và cũng không nhiều doanh nghiệp tự tin mình đang sở hữu một đội ngũ nhân tài có chất lượng. Không những thế, nhu cầu kế nhiệm đôi khi còn nằm ngoài dự tính của bạn nên tốt hơn hết, bạn nên chuẩn bị sớm cho trường hợp này.
Điều này không đồng nghĩa với việc bạn không cần tuyển dụng ứng viên bên ngoài. Chỉ là, xem xét những lựa chọn nội bộ sẽ giảm thiểu đi ít nhiều rủi ro cho bạn. Nhưng mặt khác, bạn cũng không nên tìm một số ít người sẵn sàng tiếp quản vị trí trống trong ngắn hạn hoặc thậm chí lúc khẩn cấp. Điều bạn nên hướng tới là một giải pháp dài hạn, thay vì một nước cờ thuần tính trì hoãn. Và tốt nhất là có sẵn một kế hoạch tìm kiếm và phát triển nhân tài nội bộ để đảm nhận những vị trí quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Tóm lại, hãy ghi nhớ rằng bạn cần một đội ngũ kế thừa có chiều sâu trong toàn tổ chức hơn là chỉ mặt điểm danh vài gương mặt dự bị.
Từ những điều nói trên, hoạch định kế nhiệm hẳn phải có một chỗ đứng trong kế hoạch quản lý nhân sự, nhưng bạn sẽ thuyết phục doanh nghiệp mình thực hiện hoạt động này bằng cách nào?
Hãy tham khảo năm lý do sau:
- Giảm thời gian tuyển dụng vị trí chủ chốt. Tại sao ư? Đơn giản thôi, bạn có đã sẵn một số nhân viên được đào tạo bài bản riêng cho những vị trí đó rồi.
- Giữ chân nhân viên tiềm năng. Với kế hoạch kế nhiệm, những tài năng này sẽ nhìn nhận được cơ hội phát triển và thăng tiến trong doanh nghiệp của bạn.
- Đảm bảo nguồn cung nhân tài dồi dào vì bạn sẽ cần phải xây dựng và duy trì lực lượng nhân tài kế thừa đủ “dày” để tận dụng thay vì chỉ lựa chọn một vài gương mặt sáng giá nhất.
- Tăng cường sự gắn kết giữa nhân viên và tổ chức vì mục tiêu cuối cùng của một kế hoạch kế nhiệm chính là thống nhất sứ mệnh doanh nghiệp với mục tiêu phát triển cá nhân.
- Phát triển khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bởi các định hướng sẽ được chú trọng vào các vấn đề liên quan đến lợi thế cạnh tranh hơn.
Một thực trạng dễ nhận thấy là các công ty vừa và nhỏ lại không thực hiện hoạch định kế nhiệm mặc dù họ cũng nhận biết được lợi ích của việc này. Họ cho rằng, hoạch định kế nhiệm cho dù mang lại nhiều nhưng cũng khiến họ hao phí nhiều nhân lực và nguồn vốn, vậy nên, chỉ thích hợp cho những công ty có nhiều cấp bậc. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp dù ở bất kỳ loại hình nào cũng đều phải xử lý những rắc rối liên quan đến việc duy trì ổn định khi chuyển giao quyền lực, và đồng thời nhận được cùng những lợi ích từ một kế hoạch kế nhiệm hiệu quả. Nên nhớ rằng, mô hình kinh doanh hay phong cách quản lý có thể không phù hợp với tất cả doanh nghiệp, nhưng kế hoạch kế nhiệm thì chắc chắn tổ chức nào cũng áp dụng được.
Hoạch định kế nhiệm mang lại những lợi ích to lớn, do đó, mọi doanh nghiệp đều muốn tiến hành hoạt động này. Nhưng hãy lưu ý rằng, thực hiện hiệu quả là một câu chuyện hoàn toàn khác bởi bản chất hoạch định kế nhiệm không xảy ra một lần hay chỉ do một cá nhân hoặc phòng bạn thực hiện.
Hãy đón đọc bài blog sắp tới về chủ đề hoạch định kế nhiệm. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn một mô hình đơn giản để giúp bạn hình dung cách thức vận hành một kế hoạch kế nhiệm hiệu quả.