Mục tiêu doanh nghiệp thường được sử dụng như một công cụ tạo động lực cho mọi người. Mục tiêu doanh nghiệp rõ ràng và cụ thể sẽ giúp người lãnh đạo quản lý tập trung hơn, khuyến khích nhân viên đạt được thành công và thúc đẩy quản lý hiệu suất bền vững.
Tuy nhiên, để chọn ra chính xác hướng nào doanh nghiệp nên đi thực sự là vấn đề rắc rối với nhiều tổ chức. Có nhiều rào cản khiến cho mục tiêu doanh nghiệp không chính xác được 100% và đạt hiệu quả cao.
Dựa vào một cuộc khảo sát trong vòng 2 năm và phỏng vấn với gần 100 người, trường Quản lý Kinh doanh Cranfield đã đưa ra 10 yếu tố phổ biến nhất ảnh hưởng đến tính hiệu quả của mục tiêu công ty:
- Dự báo chủ yếu được dựa trên những kết quả đạt được trong quá khứ, vì thế nhân viên sẽ không cố gắng hết mình vì cố gắng hết mình sẽ khiến cho mục tiêu của năm sau cao hơn nữa.
- Mục tiêu được chỉ định đến phòng Bán hàng không phù hợp.
- Mục tiêu đặt ra quá cao hoặc quá thấp. Mục tiêu quá cao sẽ khiến cho nhân viên nhụt chí và bị ảnh hưởng bởi áp lực, trong khi mục tiêu thấp chẳng khác nào khen thưởng cho việc không cố gắng mà vẫn làm được.
- Một số mục tiêu đặt ra dựa trên phương pháp đo lường hoạt động sai lầm mà người ta thường nói rằng “đạt mục tiêu mà không trúng mục đích”.
- Mục tiêu hoàn toàn dựa trên các chỉ số tài chính ngay cả khi những nhân tố phi tài chính như mối quan hệ khách hàng đóng vai trò quan trọng.
- Quá trình phân tích dữ liệu để tổng hợp nên mục tiêu thiếu sự chính xác.
- Mục tiêu không được xem xét lại định kỳ, do đó bộ phận Bán hàng thường bị tụt hậu khi có biến cố xảy ra.
- Chỉ định mục tiêu đến Bộ phận bán hàng nói chung mà không nói rõ ai là người chịu trách nhiệm.
- Không có hoặc ít có sự tương quan giữa các mục tiêu với nhau, từ đó tạo nên sự không thống nhất.
- Kế hoạch hành động đã được thống nhất trước chỉ mang tính tham khảo mà không bắt buộc mọi người phải làm theo.