Trong bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu 3 trong số 7 cảm xúc cơ bản bạn nên biết để phát triển trí tuệ cảm xúc của mình. Hãy xem 4 cảm xúc còn lại là gì trong phần 2 này.
7 cảm xúc cơ bản
Vui vẻ
Đây là cảm xúc tích cực nên được nuôi dưỡng. Nhưng đây cũng là cảm xúc dù dễ nhận thấy nhất nhưng cũng dễ bị người ta làm giả nhất! Một biểu hiện rõ ràng của cảm xúc Vui Vẻ là cười, nhưng một người nở nụ cười chưa chắc đã cảm thấy vui vẻ.
Cuốn Leadership Charisma của Deiric McCann, Jim Sirbasku và Bud Haney đã nêu ra khái niệm Duchenne Smile và non-Duchenne Smile để giúp phân biệt nụ cười tự nhiên với nụ cười miễn cưỡng bằng cách để ý đến nếp nhăn ở đuôi mắt.
Đọc thêm: Cách đơn giản nhất để phát triển Trí tuệ cảm xúc (EQ)
Thông thường, nếu một người không thực sự vui vẻ nhưng đang cố che giấu điều đó, biểu hiện của họ sẽ là miệng cười nhưng những phần khác trên khuôn mặt lại mang đặc trưng của một trong sáu cảm xúc cơ bản còn lại.
Hãy cẩn thận nếu người đối diện bạn ngừng một chút hay cau mày một chút rồi mới mỉm cười bởi họ có thể đang che giấu cảm xúc thực của mình bằng chính nụ cười đó. Cho dù bạn không phải là nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực bị che giấu đó, bạn cũng nên bày tỏ sự quan tâm của mình bằng những câu hỏi như “Có chuyện gì đang làm anh/chị bận tâm sao?” hay “Tôi có nói hay làm gì khiến anh/chị thấy không thoải mái không?” để tạo dựng sự tin tưởng và tôn trọng trong người đối diện.
Buồn bã
Đây là cảm xúc khó làm giả nhất vì các cơ liên quan đến biểu hiện trên mặt của cảm xúc này rất khó điều khiển! Khi một người có cảm xúc Buồn Bã, họ sẽ khó tập trung vào điều bạn đang trình bày và cho dù họ có nghe bạn nói thì cũng sẽ ít nhận ra những điểm tích cực trong đó.
Như câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi đang trải qua cảm xúc Buồn Bã, người ta sẽ chỉ thấy được những điều tiêu cực khiến họ buồn hơn và không thể tập trung làm việc khác.
Trong trường hợp bạn nhận thấy người đối diện có biểu cảm như vậy, hãy hỏi thăm họ và thể hiện sự đồng cảm. Nên chăm chú lắng nghe và không ngắt lời chia sẻ của họ nhưng cũng lưu ý tùy thuộc vào mức độ thân quen mà hãy kiểm soát mức độ tìm hiểu trong câu hỏi bạn đặt ra cho họ. Đồng thời, hãy cho họ thời gian vượt qua khó khăn nhưng nếu sự buồn bã này gây ảnh hưởng tới công việc, hãy hướng họ tập trung vào giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn.
Ngạc nhiên
Nếu chưa quen, bạn sẽ dễ nhầm lẫn giữa cảm xúc Ngạc Nhiên với cảm xúc Sợ Hãi vì chúng có cùng một biểu hiện: mắt mở to hơn. Nhưng điểm khác biệt then chốt nằm ở lông mày. Khi ngạc nhiên, lông mày thường sẽ được nâng lên và cong.
Khi sợ hãi, lông mày có thể được nâng lên nhưng sẽ ngang chứ không cong. Ngoài ra, khi sợ hãi, người ta thường để lộ lòng trắng ở phía trên mắt và có phản xạ lùi lại hoặc kéo người về phía sau một chút. Cảm xúc Ngạc nhiên xuất hiện khi có chuyện bất ngờ xảy ra nhưng không hẳn là bất ngờ thú vị.
Đọc thêm: 7 lý do bạn nên quan tâm đến EQ khi tuyển dụng
Do đó, bạn cần phải lưu ý đến cảm xúc đi theo sau đó để biết được người đối diện thực sự nghĩ sao về điều bất ngờ đó. Hãy chia sẻ thẳng thắn lý do tại sao bạn lại làm hoặc nói điều bất ngờ vừa rồi và chuẩn bị sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra và quan sát biểu cảm của họ để biết cách điều chỉnh hành vi, lời nói của mình nhằm tạo cảm giác an tâm, hài lòng và tự tin ở họ.
Khinh bỉ
Đây là cảm xúc nguy hiểm nhất vì nó có khả năng phá hoại mối quan hệ nhanh nhất trong tất cả các cảm xúc. Khi một người tỏ ra Khinh Bỉ, họ đang tỏ ý xem thường người đối diện hoặc điều họ vừa nhìn, nghe hoặc tiếp xúc.
Có một số người có thói quen cười chỉ nhếch một bên mép mà không biết rằng thói quen này chính là một trong những lý do họ bị người khác xem là người “thiếu tôn trọng”, “vô lễ” hoặc thậm chí là “đểu”.
Người ta có thể cảm nhận được mình có được đối phương tôn trọng không chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Và hành động nhếch một bên mép này là dấu hiệu rất rõ ràng để người ta đinh ninh rằng họ không được tôn trọng.
Khinh Bỉ là cảm xúc thường xuất hiện khi người biểu lộ cho rằng mình “trên cơ” đối phương và do đó không quan tâm hoặc cân nhắc đến những gì đối phương đang nói. Do đó, trước hết hãy tự hỏi bản thân về cảm nhận hoặc suy nghĩ của người đối diện về điều bạn vừa nói hoặc làm.
Không nên bao biện, quanh co mà hãy thẳng thắn trả lời những chất vấn của họ. Và bản thân bạn cũng không nên biểu hiện cảm xúc này bởi nó sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tồi tệ nhất tới người đối diện!
Như vậy là bạn đã nắm rõ cả 7 cảm xúc, giờ đến lúc bạn luyện tập cách thể hiện đúng. Hãy quan sát biểu hiện trên gương mặt những người xung quanh và thử “tiên đoán” những diễn biến tiếp theo trong câu chuyện.
Hoặc bạn có thể xem các chương trình truyền hình có đối đáp và tương tác giữa nhiều người để dần dà có thể nhận biết và đoán trước được quyết định của những người đó. Mặc dù những “chứng cứ” cảm xúc nho nhỏ này diễn ra rất nhanh và ở nhiều mức độ nhưng luyện tập rồi cũng sẽ quen dần bởi cảm xúc con người dẫu phức tạp thì cũng được hình thành từ chính 7 cảm xúc cơ bản này.
Bạn thấy đấy, “đọc vị” cảm xúc không phải một việc đơn giản. Ngay cả chính bạn nhiều khi cũng không nhận biết được những biểu cảm trên khuôn mặt mình và những ảnh hưởng từ cảm xúc của mình tới người khác. Nhưng sự kiên trì tập luyện cùng với những mô tả về 7 cảm xúc cơ bản mà chúng tôi đã đề cập trong 4 bài viết vừa qua sẽ giúp bạn đạt được cả hai mục tiêu nắm bắt và quản lý cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Chúc bạn thành công!