Trong phần trước, chúng ta đã cùng nhau tháo gỡ bức rèm bí ẩn về sự “thần kỳ” của EQ. Tuần này, TRG Talent sẽ kẻ cho bạn vạch xuất phát và đường phát triển EQ – hay trí tuệ cảm xúc.
Hãy nhớ lại một tình huống mà bạn bị kích động mạnh về mặt cảm xúc và trả lời những câu hỏi sau:
- Đó là cảm xúc gì? (ví dụ: vui, buồn, giận dữ, thất vọng, chán nản, v.v…)
- Bạn có nhớ mình đã hành xử như thế nào không? (ví dụ: kìm nén hay bộc lộ, mất kiểm soát hay vẫn giữ được bình tĩnh, v.v...)
- Bạn có nhớ mình đã suy nghĩ ra sao khi hành xử như vậy không?
- Bạn có xác định được nguyên nhân chính gây ra cảm xúc đó không?
- Bạn có đang trải qua chính cảm xúc đó khi nhớ lại tình huống đó không?
- Người khác nhận xét ra sao về cách hành xử của bạn trong tình huống đó?
Những câu hỏi trên nhằm xác định khả năng của bạn trong việc xác định chính xác cảm xúc và lựa chọn cách phản ứng tối ưu để tối đa hóa giá trị hoặc giảm thiểu hậu quả. Và đó chính là nền tảng của việc thực hành và cải thiện Trí tuệ cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Bạn có lưu ý đến thứ tự của hai cụm “bản thân” và “những người xung quanh” không? Đúng vậy, để nâng cao Trí tuệ cảm xúc, trước hết bạn cần phải nâng cao sự tự nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Nhưng bạn có tự tin về điều này không?
Thông thường, con người luôn cho rằng bản thân mình kiểm soát và che giấu cảm xúc rất tốt. Trừ khi đối phương là người rất quen thuộc, còn không thì không thể nào biết được họ đang cảm nhận ra sao cả. Nhưng thực tế không phải vậy. Não bộ chúng ta luôn tự động tìm kiếm những hành vi hoặc cử chỉ rất nhỏ nhưng thể hiện cảm xúc của đối phương để đưa ra phản ứng phù hợp. Một cái nhướn mày, một cái nhếch mép, một cái nhún vai… những cử chỉ rất nhỏ đó để lộ cảm xúc thật của ta và sẽ ảnh hưởng lên phản ứng của người đối diện. Có thể một số người vốn không giỏi đọc cảm xúc của đối phương sẽ bỏ qua những biểu lộ nhỏ đó của bạn nhưng lại có một số người hiểu nhầm những “tín hiệu” đó.
Vậy trước hết hãy làm rõ vấn đề “Cảm xúc mà bạn đang trải qua có được bộc lộ đúng ra bên ngoài không?”, hay nói cách khác, “Người khác có hiểu đúng cảm xúc của bạn không?”. Giả dụ bạn đang trong một cuộc họp căng thẳng về một vấn đề cấp bách. Ai cũng tập trung cố gắng tìm ra giải pháp và bạn thấy rõ rằng cảm xúc chung ở đây là “bất an”, “lo lắng” và “căng thẳng”. Nếu bạn không thể hiện cảm xúc gì (và cũng không có giải pháp tốt!) thì người ta sẽ đánh giá bạn là người “thờ ơ”, “lãnh đạm” hoặc thậm chí là “vô trách nhiệm” thay vì là “điềm tĩnh” như bạn mong muốn. Vậy bạn phải làm gì để có thể luyện tập và cải thiện được cách biểu lộ cảm xúc hiệu quả?
Soi gương là hành động mà ai cũng phải làm hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng đây là hành động nữ tính và không nên được khuyến khích ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy, hạn chế soi gương sẽ khiến người ta bớt lo lắng về hình ảnh bản thân và quan điểm của người khác về họ. Mặt tích cực là họ sẽ bớt cảm thấy tự ti hoặc ám ảnh về những điểm không hoàn hảo ở ngoại hình của mình. Nhưng đồng thời, họ cũng sẽ không quan tâm đến cảm nhận và suy nghĩ của người khác đối với họ.
Thành ra nếu bạn không thử một lần nhìn mình vào gương, bạn sẽ không nhận ra rằng mỗi khi bất đồng quan điểm với ai đó, bạn lại có xu hướng khoanh tay, mím chặt môi và cau mày đầy bực bội. Và bạn cũng sẽ càng không biết lý do tại sao người khác lại tránh né, không muốn tranh luận với bạn cho dù bạn muốn thảo luận, bàn bạc với họ điều gì đó.
Hãy nhìn vào gương, cảm xúc của bạn khi thấy những biểu cảm tiêu cực của mình trong gương cũng chính là cảm xúc của những người xung quanh đó!
Có 7 kiểu cảm xúc cơ bản và được công nhận toàn cầu như sau:
- Giận dữ
- Ghê tởm
Mũi nhăn lại và môi trên nhếch lên
- Sợ hãi
Lông mày nâng cao và kéo lại gần nhau, mắt mở to để lộ lòng trắng phía trên, miệng hơi kéo sang hai bên
- Vui vẻ
Đuôi mắt có nếp, gò má nâng cao và khóe miệng nhếch lên cả hai bên
- Buồn bã
Mí mắt trên hơi sụp, hai mép miệng kéo xuống
- Ngạc nhiên
Lông mày nâng, mắt mở to, miệng há
- Khinh bỉ
Môi mím và nhếch một bên mép
Hãy thử mô phỏng 7 cảm xúc cơ bản trên bằng cách đứng trước gương và nhớ lại một tình huống mà bạn đã trải qua cảm xúc đó. Khi biểu cảm của bạn thay đổi, bạn sẽ cảm nhận được cảm xúc đó và ngược lại. Nếu bạn cảm thấy khuôn mặt mình quen với một biểu cảm nào hơn thì đó chính là cảm xúc chủ đạo được bạn thể hiện thường xuyên nhất. Nếu không chắc, hãy nhờ một người quen đánh giá kiểu biểu cảm mà bạn hay thể hiện nhất. Nếu nó không phải là cảm xúc tích cực, hãy cẩn thận!
Tóm lại, bạn nên thể hiện cảm xúc thật có chừng mực, công nhận cảm xúc đó và tìm cách chuyển hướng cảm xúc tiêu cực sang hành động tích cực. Không thể hiện cảm xúc gì không phải là điều tốt và chỉ thể hiện những cảm xúc tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh (cảm xúc có thể lan truyền rất rất nhanh!) càng không phải là điều bạn nên làm.