Ra đời rất lâu sau Trí thông minh (IQ) nhưng Trí tuệ cảm xúc (EQ) đang dần trở thành xu hướng tập trung phát triển của con người. Một trong những nguyên nhân khiến EQ chiếm được cảm tình của đông đảo mọi người là vì nó phản ánh đúng bản chất của con người là động vật mang tính xã hội cao. IQ cao có thể giúp một người suy luận hiệu quả và nhanh chóng, nhưng EQ cao sẽ giúp con người kết nối và hợp sức cùng nhau phát triển bền vững.
Một cách ngắn gọn, EQ chính là cách bạn quản lý các mối quan hệ của mình. Một người có EQ cao là người có khả năng xây dựng mối quan hệ tương hỗ tốt đẹp và hiệu quả nhờ sở hữu kỹ năng quản lý cảm xúc của mình và những người xung quanh. Do đó câu hỏi “EQ đóng vai trò quan trọng đến mức nào trong thành công sự nghiệp?” sẽ có cùng câu trả lời với câu “Mối quan hệ đóng vai trò quan trọng đến mức nào trong thành công sự nghiệp?”. Nếu đối với bạn, có hay không có mối quan hệ, hoặc mối quan hệ có tốt đẹp hay không không phải là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công sự nghiệp thì bạn cũng không cần chú ý hay rèn luyện EQ để làm gì.
Nhưng trên thực tế, bao nhiêu phần trăm thành công của bạn là do mình bạn nỗ lực tạo thành và bao nhiêu là nhờ sự hỗ trợ của người khác?
Và trong những lần bạn thất bại, nguyên nhân là gì và nếu chỉ có một mình, bạn có thể xoay chuyển được tình hình không hay phải nhờ người hỗ trợ tốt hơn?
Hi vọng đến đây bạn đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “EQ/Mối quan hệ đóng vai trò quan trọng đến mức nào trong thành công sự nghiệp?”. Cũng chính vì vậy mà càng ngày sách vở, tài liệu và các khóa đào tạo giúp phát triển EQ – trí tuệ cảm xúc xuất hiện càng nhiều, đi đôi với nhu cầu khơi mở tiềm năng và cải thiện khả năng đạt được thành công cao nhất trong con người. Tuy nhiên, bạn chớ vội thần thánh hóa EQ bởi vẫn đang tồn tại những quan niệm sai lầm nghiêm trọng về bản chất cũng như cách ứng dụng chỉ số này. Hãy cùng TRG Talent làm rõ những "nghi vấn" sau đây.
Nghi vấn 1: "KIỂM TRA" EQ - LIỆU CÓ KHẢ THI?
Chúng ta có thể đo lường hoặc kiểm tra EQ một cách chính xác và dễ dàng được hay không? Đừng nhìn vào con số gần 60 triệu kết quả trong vòng 0,57 giây tìm kiếm trên Google với từ khóa “EQ test” mà vội kết luận về tính khả thi của việc này. Hầu hết các bài đánh giá hoặc “kiểm tra” EQ dựa trên hình thức tự phản ánh. Nghĩa là người làm bài sẽ đánh giá mức độ đồng ý với một phát biểu được đưa ra, hoặc chọn cách xử lý tình huống mà mình thấy phù hợp nhất. Hãy xem 2 ví dụ sau đây:
Ví dụ 1:
Chọn mức độ đồng ý của bạn với câu sau: Tôi tránh đề cập đến những chủ đề nhạy cảm hoặc tiêu cực.
- Rất không đồng ý
- Không đồng ý
- Không rõ
- Đồng ý
- Rất đồng ý
Ví dụ 2:
Bạn đang tranh luận rất gay gắt với một người bạn. Bạn sẽ:
- Kiên quyết tranh cãi đến cùng vì bạn biết mình đúng
- Dừng lại một chút để bình tĩnh rồi tiếp tục tranh luận
- Bỏ qua và chuyển chủ đề vì bạn không muốn gây sự với bạn bè
- Lắng nghe ý kiến của người bạn và cố gắng trình bày lý do thuyết phục cho quan điểm của bạn
Có thể nhanh chóng nhận thấy rằng câu trả lời của bạn ở cả 2 ví dụ dễ bị ảnh hưởng bởi những gì bạn cho là tốt nhất, phù hợp nhất hoặc được chấp nhận nhất trong xã hội. Dĩ nhiên là có những người sẽ nghĩ gì nói vậy, nhưng không có nghĩa là câu trả lời của họ phản ánh đúng hiện thực. Những gì ta cho là đúng chưa hẳn đã là sự thật và những sai lệch như vậy sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu bản thân ta không có mức độ nhận thức bản thân cao, vốn là một trong 4 yếu tố cấu thành nên Trí tuệ cảm xúc.
Vậy làm cách nào để đánh giá EQ chính xác nhất? Đó là tổng hợp ý kiến của những người xung quanh. Những người thường xuyên tương tác với bạn chính là những đối tượng chịu ảnh hưởng (cả tích cực lẫn tiêu cực) từ chính những hành động và cảm xúc bạn thể hiện ra. Bạn không thể tự mình trả lời chính xác những câu hỏi như “Bạn có luôn cân nhắc đến cảm xúc của người khác không?” nhưng họ thì có. Hơn nữa, có những trường hợp bạn biết mình nên làm gì, nhưng lại không biết làm thế nào hoặc không muốn làm như vậy. Cứ như thế, bạn không làm theo cách tối ưu và vô tình “để xổng” những cảm xúc tiêu cực của mình và gây ảnh hưởng xấu lên mối quan hệ với những người xung quanh mình.
Nghi vấn 2: EQ CAO CHẮC CHẮN SẼ THÀNH CÔNG?
Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy sự tương quan giữa chỉ số EQ và khả năng đạt được thành công trong công việc. Tuy nhiên, xem EQ là chìa khóa chắc chắn dẫn đến thành công là một trong những quan niệm sai lầm nguy hiểm nhất.
Để có bức tranh toàn cảnh về một người, ta cần phải đánh giá 3 khía cạnh: IQ (hoặc khả năng tư duy và suy luận), EQ (hoặc kỹ năng tương tác xã hội và xây dựng mối quan hệ) và tính cách. Những người có mức độ IQ và tính cách khác nhau sẽ thể hiện EQ theo những hướng khác nhau. Và tùy tình huống mà những cách thể hiện đó có thể phù hợp hoặc không phù hợp. EQ được xem là tập hợp của nhiều kỹ năng về tương tác xã hội và tạo kết nối, do đó có thể rèn luyện được và bạn dễ dàng thấy sự thay đổi sau rèn luyện ở EQ hơn là ở IQ hoặc tính cách. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là sự kiên trì nhẫn nại nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu. Bạn không thể chờ các mối quan hệ tốt đẹp đưa bạn đến thành công được. Chúng chỉ là hỗ trợ giúp bạn đi nhanh hơn thôi, nhưng chưa chắc là đi đúng hướng.
Phải thừa nhận rằng EQ quan trọng nhưng không phải là tất cả, nhất là trong trường hợp bạn vẫn chưa tìm được cách đo lường chính xác mức thay đổi EQ qua một khoảng thời gian rèn luyện. EQ không phải là thần dược giúp bạn biến không thành có hay biến thất bại thành thành công trong nháy mắt. EQ chỉ là một trong nhiều công cụ giúp ta phát triển và mở được nhiều cánh cửa dẫn đến thành công hơn mà thôi. Và công cụ không mang tính chất tốt hay xấu, nó phụ thuộc vào mục đích mà bạn sử dụng. Nhưng bạn cũng cần phải biết mình nên bắt đầu từ đâu để có thể sử dụng EQ một cách phù hợp nhất cho bản thân mình. Hãy đón đọc những phần tiếp theo trong loạt bài về Trí tuệ cảm xúc của TRG Talent.