Chắc bạn đã từng nghe đến hoặc xem phim hoạt hình Inside Out của Disney. Trong khuôn khổ một bộ phim hoạt hình mà đối tượng là các em nhỏ, ta dễ dàng nhận thấy được những cảm xúc của nhân vật cô bé Riley được thể hiện rất rõ ràng. Nhưng khác với trên phim, cảm xúc ngoài đời thực lại phức tạp hơn nhiều. Vậy chúng ta làm gì để biết được người đối diện đang cảm thấy thế nào khi tiếp xúc với mình? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Khi tri thức và những khóa đào tạo về cách “đọc vị” ngôn ngữ cơ thể trở nên phổ biến, người ta sẽ rèn luyện để thay đổi cử chỉ từ tiêu cực sang tích cực, như không khoanh tay nữa (thể hiện tâm lý phòng thủ) mà chuyển sang chụm ngón tay hình nón (thể hiện sự tán đồng).
Nhưng khác với những ngôn ngữ cơ thể do điệu bộ và tư thế tạo ra, những biểu hiện trên khuôn mặt của 7 cảm xúc cơ bản này chỉ xảy ra thoáng chốc và rất khó điều khiển được. Hầu hết trường hợp, chúng xảy ra một cách vô thức và nếu không để ý, bạn sẽ bỏ qua những thông tin rất trọng yếu này.
Trước khi đi vào phân tích cách đọc hiểu 7 cảm xúc cơ bản biểu lộ trên gương mặt người khác, bạn cần phải biết được biểu cảm của mình. Hãy nhìn vào gương và cố bắt chước những biểu cảm được mô tả. Việc này không dễ nhưng rất quan trọng và cần thiết! Khi bạn bắt chước biểu cảm, từ từ bạn sẽ thấy mình có cảm xúc tương ứng. Nếu bạn nhận thấy mình dễ bắt chước một biểu cảm nào hơn thì nghĩa là bạn thường thể hiện cảm xúc của biểu cảm đó hơn.
7 cảm xúc cơ bản
Trong cuốn sách Emotions Revealed (2003) của mình, Tiến sĩ Paul Ekman đã trình bày 7 cảm xúc cơ bản và được con người ở mọi nền văn hóa thể hiện giống nhau. Những cảm xúc này tiết lộ cảm nhận tức thì của người biểu lộ và nhận biết chúng sẽ giúp bạn tránh được những tình huống xấu, thậm chí là nguy hiểm.
Giận dữ
Một biểu hiện dễ nhận thấy nhất của cảm xúc Giận Dữ là nhíu mày. Bạn sẽ dễ gặp cảm xúc này ở người đối diện nếu bạn vừa vô tình hoặc cố ý nói điều xúc phạm họ. Tuy nhiên, hành động này xảy ra rất nhanh và rất dễ bị bỏ lỡ.
Nhưng một khi bắt gặp biểu hiện này, bạn không được bỏ qua mà phải tìm ra nguyên nhân khiến đối phương giận dữ và tìm cách giải thích cho hành vi hoặc lời nói của mình nếu bạn không có ý xúc phạm hoặc gây hấn.
Cụ thể là trước nhất hãy thể hiện rõ rằng bạn không có ý đe dọa hay làm hại họ. Đừng lấn đến gần họ hơn để giải thích mà hãy tôn trọng không gian riêng của họ. Và từ tốn giải thích với lòng bàn tay mở để thể hiện sự thành thật, không giấu diếm.
Ghê tởm
Người ta thường thể hiện cảm xúc này khi tiếp xúc với một đối tượng (hình ảnh, âm thanh, mùi vị, vật thể, v.v…) gây cảm xúc rất khó chịu và khiến họ muốn tránh xa. Có một số người nhạy cảm hơn và dễ bộc lộ cảm xúc Ghê Tởm ra hơn.
Thông thường, cảm xúc này ám chỉ đối tượng mà họ đang tiếp xúc có thể gây hại hoặc truyền bệnh cho họ nên phải tránh càng xa càng tốt. Mỗi người lại có một định nghĩa và mức độ chấp nhận khác nhau về những thứ khiến họ cảm thấy ghê tởm.
Cho dù vậy, cảm xúc này cũng sẽ dẫn đến sự né tránh và xa lánh nếu không có được sự đảm bảo rằng những yếu tố đang khiến họ phải biểu lộ cảm xúc này không gây ra bất lợi gì về sức khỏe. Và đồng thời, trong quá trình truyền đạt thông điệp, bạn cũng cần phải cẩn trọng và kỹ càng lựa chọn những hình ảnh mang tính nhạy cảm hoặc dễ gây liên tưởng đến những thứ mất vệ sinh.
Sợ hãi
Biểu hiện Sợ Hãi hay xuất hiện khi người ta đang cận kề hoặc tiếp xúc với thứ gì có thể đe dọa hoặc gây hại cho họ. Khác với Giận Dữ, Sợ Hãi là lựa chọn “bỏ chạy” trong phản xạ tự nhiên “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của con người.
Cảm xúc này có thể ngăn cản người ta nói thật, bộc lộ cảm nhận chân thật của mình hoặc hành động. Thay vào đó, họ thường che giấu điểm của mình và khỏa lấp bằng cách biện minh hoặc thỏa hiệp. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa bạn và người đó chưa thực sự thân thiết, chớ vội xác định chính xác điều gì làm họ lo sợ, nhất là khi việc này có ảnh hưởng đến kết quả công việc. Bằng không, đó sẽ là bước thụt lùi trong quá trình xây dựng mối quan hệ chân thành và tốt đẹp giữa cả hai.
Nhưng dẫu vậy, bạn cũng nên đảm bảo với người đó rằng mình không có ý đe dọa hay làm hại họ, giải thích rõ ràng thông điệp của bạn đồng thời lắng nghe, trấn an hoặc hỏi han họ. Tuyệt đối không được lên giọng và nói chuyện gay gắt hay thậm chí là sử dụng những cử chỉ bị coi là gây hấn như chỉ tay vào người đối diện, chống nạnh hay đập bàn.
Trên đây là 3 trong số 7 cảm xúc toàn cầu được các nhà khoa học đề cập. Hãy cùng đón xem bài tiếp theo để biết được 4 cảm xúc còn lại cũng như những lời khuyên trong việc phát triển EQ từ TRG Talent.