(Quản Trị) Xây dựng mô hình Tổng Kế toán Nhà nước và việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc gia đã được đề cập trong báo cáo tổng hợp của cuộc hội thảo Định hướng và lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 4/2007 tại Hà Nội. Đây là vấn đề thời sự của kế toán Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tài chính Nhà nước là cơ sở nền tảng của kế toán Nhà nước.
Tài chính nhà nước (TCNN) bao giờ cũng đại diện cho lợi ích công (quốc gia), nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với lợi ích của các DN, tổ chức, gia đình, cá nhân và cả với nước ngoài. Các chủ thể trong xã hội có nghĩa vụ đóng góp bằng tiền một phần thu nhập của mình cho nhà nước.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của TCNN và là khoản thu mang tính chất bắt buộc theo luật định. Ngoài ra, Nhà nước có các khoản thu như: thu từ bán, cho thuê tài sản nhà nước; đóng góp tự nguyện của dân; viện trợ, vay nợ…Chỉ tiêu thuộc phạm vi TCNN bao gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và những khoản chi khác. Cơ cấu chi tiêu của TCNN tuỳ thuộc vào nhiệm vụ của nhà nước và khả năng của nền kinh tế trong từng thời kỳ.
Theo cơ chế tạo lập quỹ, có thể chia TCNN thành các bộ phận: ngân sách nhà nước (NSNN); các quỹ TCNN ngoài NSNN. Theo sự phân cấp phù hợp với tổ chức hệ thống chính quyền thì TCNN bao gồm: TCNN cấp trung ương; TCNN cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã)
Khái niệm TCNN rộng hơn khái niệm NSNN nên việc phân cấp quản lý TCNN không trùng hoàn toàn với phân cấp quản lý NSNN. Nhưng phân cấp quản lý NSNN là cốt lõi của phân cấp quản lý TCNN.
Để quản lý TCNN, nhà nước phải sử dụng các công cụ quản lý của mình với tư cách là môi trường, là vật truyền dẫn các tác động của chủ thể quản lý (nhà nước) lên đối tượng quản lý. Các công cụ quản lý TCNN có thể kể ra như: pháp luật, dự toán, kế toán.
Kế toán nhà nước - Công cụ phản ánh bức tranh TCNN
Nội dung công việc kế toán nhà nước (KTNN) là ghi nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tình hình và sự vận động của các nguồn tài chính (dưới các hình thức như thuế, vay nợ, chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, trả nợ…), tài sản nhà nước và thông qua đó mà kiểm tra, kiểm soát được các hợp đồng kinh tế, TCNN, giúp Nhà nước đưa ra được các quyết định kinh tế, những biện pháp quản lý kinh tế, tài chính hữu hiệu hơn.
KTNN là một bộ phận của kế toán nói chung trong nền kinh tế quốc dân, do vậy, cũng phải tuân thủ những nguyên tắc và phương pháp kế toán chung. Tuy nhiên, KTNN có vị trí độc lập nhất định trong hệ thống kế toán chung, gắn liền với chu chuyển kinh tế - tài chính qua NSNN và các quỹ TCNN bên cạnh NSNN.
Có thể đưa ra sự so sánh giữa KTNN và kế toán DN về kế toán các khoản thu-chi như sau:
Tuy KTNN và kế toán DN có sự độc lập với nhau (kế toán của các chủ thể khác nhau, phản ánh những khâu hợp đồng kinh tế-tài chính khác nhau của nền kinh tế), những giữa chúng lại có quan hệ với nhau chặt chẽ:
- Trong khi KTNN theo dõi số thuế phải thu và đã thu được thì kế toán DN phản ánh số thuế phải nộp và đã nộp; KTNN theo dõi số chi chuyển giao cho DN (hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ xuất khẩu…) thì kế toán DN phải phản ánh số vốn Nhà nước đã hỗ trợ. Số liệu về những nghiệp vụ này giữa KTNN và kế toán DN phải có sự khớp đúng; phương pháp phản ánh đảm bảo phải đối chiếu, so sánh được.
- Trong nền kinh tế thống nhất, dù là kế toán của chủ thể nào (nhà nước, DN, hộ gia đình, đoàn thể) cũng phải tuân thủ những nguyên tắc chung, thể lệ chung về kế toán. Có như vậy mới đảm bảo có một hệ thông tin đầy đủ và đáng tin cậy để quản lý vĩ mô nền kinh tế và quản lý ở từng đơn vị kế toán. Trong điều kiện toàn cầu hoá, khu vực hoá về kinh tế thương mại, tất nhiên KTNN cũng như kế toán DN sẽ ngày càng gần với những thông lệ kế toán mang tính chất quốc tế.
Trong kế toán DN | Chủ yếu là kế toán thu từ doanh thu bán hàng. Khi bán hàng, phải thực hiện nguyên tác trao đổi ngang giá của thị trường. |
Trong kế toán Nhà nước | Chủ yếu kế toán thu từ thuế. Thuế là khoản thu mang tính chất bắt buộc mà DN, hộ gia đình phải nộp (trích từ thu nhập của mình), không có đổi khoản cụ thể. |
Trong kế toán DN | Chủ yếu là kế toán phản ánh chi phí tạo ra sản phẩm để bán trên thị trường. |
Trong kế toán Nhà nước | Chủ yếu là kế toán chi tiêu để tạo ra các hàng hoá công cộng không bán trên thị trường (dịch vụ giáo dục công, y tế công, quốc phòng, an nhinh, đối ngoại…) |