Thật khó để đưa ra một chiến lược kinh doanh hiệu quả. Thực thi các chiến lược một cách hiệu quả để đạt được kết quả mong đợi thậm chí còn khó khăn hơn. Một nghiên cứu trong năm 2009 đã chỉ ra rằng 70% nhân viên không hiểu rõ những gì họ cần làm nhằm hỗ trợ chiến lược doanh nghiệp. Một nghiên cứu tương tự, được công bố trong Fake Work của Brent D. Peterson & Gaylan Nielson, Simon Schuste, khẳng định "một nửa số công việc mà nhân viên thực hiện không liên quan gì tới chiến lược kinh doanh của công ty". Một hồi chuông cảnh báo nữa là, 73% nhân viên được khảo sát không nghĩ rằng mục tiêu doanh nghiệp được chuyển thể thành các nhiệm vụ cụ thể.
Những dấu hiệu này cảnh báo rằng giữa chiến lược và thực thi vẫn còn khoảng cách. "Nhiều doanh nghiệp đặt ra một mục tiêu dài hạn lớn lao và quá mơ hồ ... cùng với chi tiết kế hoạch hằng năm và ngân sách ngắn hạn mà ... mà không hề có sự liên kết giữa mục tiêu và kế hoạch thực hiện... Không phải đợi đến năm thứ 5 của chiến lược kế hoạch thì chiến lược dài hạn mới bắt đầu. Nó bắt đầu ngay bây giờ! " (Báo của Trường Kinh tế Harvard, 1994). Như dẫn chứng trên, khoảng cách chiến lược và thực thi thường bị gây ra bởi các kế hoạch chiến lược và ngân sách kém hiệu quả. Vậy, các yếu tố "thất bại"của hai quy trình quan trọng trên là gì?
Thứ nhất, kế hoạch chiến lược có thể thất bại do một số lý do, một số đáng chú ý nhất bao gồm:
- Sai thứ tự ưu tiên: Rõ ràng, nếu thứ tự ưu tiên các mục tiêu sai ngay từ khâu lập kế hoạch, sẽ có khả năng các mục tiêu này không được thực hiện hiệu quả. Kết quả là doanh nghiệp sẽ không đi theo chiến lược đã đặt.
- Các mục tiêu quá chung chung và mơ hồ: Điều này được thể hiện hoặc thông qua sự thiếu chi tiết hoặc mơ hồ trong việc xác định mục tiêu kinh doanh.
- Thiếu trách nhiệm giải trình: Nếu trách nhiệm giải trình không được nêu rõ trong kế hoạch, các doanh nghiệp có thể sẽ phải dành nhiều thời gian cho việc điều chỉnh/ thay đổi các chính sách nội bộ thay vì thực hiện mục tiêu kinh doanh quan trọng.
- Không đề cập đến giá trị doanh nghiệp: Nếu một kế hoạch chiến lược không kết hợp giá trị cốt lõi của tổ chức và văn hóa tổ chức, nó sẽ ít có khả năng được hoan nghênh, tiếp thu và thực thi có hiệu quả bởi nhân viên.
- Thiếu sự hợp tác và truyền đạt: Để đảm bảo kế hoạch chiến lược được hiểu rõ trên toàn doanh nghiệp, chỉ truyền đạt thông qua email một lần cho tất cả nhân viên là không đủ. Thêm vào đó, thật tệ hại nếu nhân viên từ các phòng ban khác nhau không hiểu vấn đề theo cùng một cách.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp ngày nay dựa vào quy trình lập ngân sách để thu hẹp khoảng cách giữa chiến lược-thực thi, và thất bại. Điều này có thể là do:
- Quá phụ thuộc vào quá khứ: Trong môi trường kinh doanh thay đổi, nếu một ngân sách được tạo ra chỉ dựa vào dữ liệu lịch sử, doanh nghiệp có nhiều khả năng chi tiêu nhiều hơn hoặc ít hơn.
- Thiếu độ tin cậy: Con người có thể bị cám dỗ để dự đoán nhu cầu ngân sách cao hơn nhằm đạt được mục tiêu dễ dàng hơn. Hơn nữa, dữ liệu có thể không chính xác do nhập liệu thủ công và thiếu tính đồng bộ.
- Thiếu liên kết nguyên nhân-kết quả: Nhiều ngân sách được đưa ra mà không có lý giải như là tại sao lại cần số tiền như vậy, điều gì dẫn đến yêu cầu ngân sách này.
- Thiếu hợp tác và truyền đạt: Cho dù ngân sách được tạo ra bằng phương pháp lập ngân sách từ trên xuống, từ dưới lên hoặc bằng cả hai phương pháp trên, nếu không có sự phối hợp hiệu quả từ các phòng ban khác nhau và quản lý cấp cao, nó sẽ có khả năng thất bại.
Kết lại, khoảng cách giữa chiến lược- thực thi không phải là không thể kết nối, nhưng cũng không phải dễ dàng xóa bỏ. Tìm hiểu về các yếu tố quan trọng của một chiến lược thành công và liên kết thực hiện trong bài viết tiếp theo của chúng tôi.
***
Tải về phần đầu tiên trong tài liệu "Addressing strategy management and the balanced scorecard" để tìm hiểu thêm về khoảng cách giữa chiến lược-thực thi.