Năng lực của quản lý người Việt đang ở mức nào trên thang năng lực quản lý toàn cầu? Những điểm mạnh và điểm yếu của họ so với các đồng nghiệp quốc tế là gì? Câu trả lời cho những câu hỏi trên là một phần trong khảo sát năng lực của các vị trí quản lý người Việt 2016 do TRG Talent thực hiện.
Dựa trên phương pháp 360o, khảo sát này đánh giá một nhà quản lý thông qua một lăng kính toàn diện. TRG Talent thu thập phản hồi không chỉ từ chính các nhà quản lý mà còn từ những người xung quanh có cơ hội làm việc trực tiếp với họ, gồm cấp trên trực tiếp, cấp dưới trực tiếp, đồng cấp, và những người khác (khách hàng, đối tác, nhà cung cấp v.v...) để có cái nhìn chính xác và khách quan nhất về năng lực thật sự của những quản lý được khảo sát.
Khảo sát sử dụng dữ liệu từ 1478 người tham gia. Ngoài 122 quản lý, đối tượng chính của khảo sát này, còn có 187 cấp trên, 553 cấp dưới, 545 đồng cấp, và 193 người khác.
Trong nghiên cứu này, năng lực của các quản lý người Việt được đánh giá dựa trên 18 kỹ năng Lãnh đạo & Quản lý chính, được phân chia thành 8 nhóm năng lực, và sau đó so sánh với mức chuẩn chung của các quản lý trên toàn cầu. Đáng chú ý là trong cả 18 kỹ năng, đa số quản lý người Việt đều ở mức tương đương hoặc cao hơn mức chuẩn toàn cầu. Và sau đây là những kỹ năng mà người lý người Việt mạnh và yếu nhất.
3 kỹ năng tốt nhất
Các quản lý người Việt xuất sắc nhất trong 3 kỹ năng về "Xây dựng niềm tin", "Thể hiện cam kết", và "Nắm vững công việc."
"Xây dựng niềm tin", được xếp ở vị trí cao nhất, thể hiện việc nhà quản lý thường xuyên giữ đúng lời hứa, có thể bảo vệ các bí mật kinh doanh, có phẩm chất trung thực và đạo đức trong kinh doanh. Có đến 85% số quản lý người Việt ở mức tương đương hoặc cao hơn mức chuẩn toàn cầu trong kỹ năng này.
Hành động nói luôn đi đôi với việc làm, kỹ năng “thể hiện cam kết”, đã giúp các quản lý người Việt ghi điểm và trở thành một trong 3 kỹ năng trụ cột của họ. Các lãnh đạo phải luôn hành động theo đúng như những điều họ nói, các quyết định được đưa ra phải thống nhất với những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như cá nhân người lãnh đạo.
“Nắm vững công việc” là thế mạnh thứ ba của các quản lý người Việt. Họ được đánh giá có tầm nhìn sâu và rộng trong công việc. Việc nắm vững và điều chỉnh phù hợp với mức độ công việc của quản lý người Việt được đánh giá rất tốt.
3 kỹ năng kém nhất
“Khích lệ hiệu quả”, “Lắng nghe”, và “Tư duy sáng tạo” là 3 kỹ năng mà các quản lý người Việt còn yếu. Trong đó, “Tư duy sáng tạo” tức khả năng tiếp cận công việc một cách sáng tạo, không quá bảo thủ, chấp nhận sự đổi mới, và chấp nhận thử thách trong công việc là điều các quản lý người Việt cần cải thiện nhiều nhất, khi có đến 4 trong 10 người ở dưới mức chuẩn toàn cầu về kỹ năng này.
Một kết quả đáng chú ý là 3 trong số 5 kỹ năng kém nhất thuộc về nhóm năng lực "Giao tiếp". Trong số 8 nhóm năng lực Lãnh đạo & Quản lý, "Giao tiếp" cũng là nhóm năng lực bị xếp ở vị trí cuối cùng.
Kết quả từ khảo sát này sẽ giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về đội ngũ quản lý của mình và có các ưu tiên phù hợp cho chương trình phát triển năng lực Lãnh đạo và Quản lý của mình. Bạn có thể tải nội dung của báo cáo tại đây.
**Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin để xây dựng chương trình bồi dưỡng nhân tài, hãy tham gia webinar “Vì sao chương trình phát triển lãnh đạo của bạn thất bại”của TRG Talent dưới đây.