Trong bối cảnh kinh tế lạm phát 2 con số, tình hình cạnh tranh trở nên gay gắt, để tối ưu hóa lợi nhuận hoặc thậm chí chỉ là để tồn tại thì có 2 việc doanh nghiệp cần phải làm: Tối ưu hóa nguồn thu và tiết kiệm tối đa chi phí một cách hợp lý.
Ai cũng biết tiết kiệm là cắt giảm chi phí, nhưng cắt giảm như thế nào để có thể đạt được ý định quản trị (vẫn duy trì năng suất, chất lượng, hình ảnh của doanh nghiệp) thì không phải điều dễ dàng.
Theo tôi, việc cắt giảm chi phí tại doanh nghiệp là vấn đề đúng nhưng phải có lộ trình và "chiến lược" tiết kiệm. Việc tiết kiệm tại các doanh nghiệp được thực hiện theo các bước:
1. Chuẩn hóa hệ thống quản trị chi phí:
Đây là bước đi tối quan trọng trong kiểm soát chi phí làm cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả của các nguồn chi. Việc xây dựng hệ thống quản trị chi phí cần tập trung đến định mức chi phí cho từng nhóm công việc, cho từng bộ phận. Các định mức có thể được tính dựa vào số liệu lịch sử, các dữ liệu phát sinh trong kỳ trước từ đó xây dựng định mức chi phí.
2. Cung cấp chi phí thực tế phát sinh cho từng bộ phận. Các chi phí được phân chia theo từng nhóm:
Mục đích của việc này là giúp các bộ phận có thể kiểm soát chi phí của mình từng tháng. Việc kiểm soát được chi phí từng tháng giúp các trưởng bộ phận không bị "giật mình' và chủ động trong việc kiểm soát các chi tiêu của mình.
3. Thực hiện cắt giảm những chi phí lớn:
Áp dụng nguyên tắc 80/20, bộ phận kết toán sẽ giúp các bộ phận biết được các chi phí nào chiếm phần lớn các chi phí trong doanh nghiệp. Theo nguyên tắc này, nếu chỉ cắt giảm 10% thì doanh nghiệp đã cắt giảm được một phần rất lớn giá trị tuyệt đối chi phí được cắt giảm.
4. Xây dựng chính sách thưởng, phạt khi triển khai chương trình cắt giảm chi phí:
Tại một số doanh nghiệp, việc thực hiện chính sách này rất uyển chuyển. Sau khi đã định mức chi phí và kiểm soát chi phí từng tháng, công ty có thể áp dụng chính sách thưởng X% trên tổng số chi phí cắt giảm được cho bộ phận đó. Khi các chi phí tiết giảm được quy đổi thành phần thưởng thì cả phía nhân viên và nhà quản lý đều có lợi: Phía công ty: cắt giảm được chi phí do ý thức của người lao động còn nhân viên thì hăng hái trong tiết kiệm vì họ hiểu họ đang nhận được tiền từ hành động này.
Bốn bước cơ bản trên có thể vận dụng một cách uyển chuyển trong từng hoàn cảnh của doanh nghiệp. Bài toán cắt giảm chi phí và bài toán nóng của các doanh nghiệp hiện nay và doanh nghiệp nào có phương pháp hợp lý sẽ có nhiều lợi thế trong con đường chinh phục những thành công.
Nguồn: quantri.vn Nguyễn Dũng