Khi sức mua của đông tiền bị giảm sút đáng kể do giá cả tăng cao thì kế toán viên không thể tiếp tục cho rằng giá trị của đồng tiền không thay đổi. Và do đó, không thể cộng chung các khoản tiền đã được ghi nhận ở những thời điểm khác nhau. Một trong những giả thiết căn bản được áp dụng trong lĩnh vực kế toán là giá trị của đơn vị tiền tệ kế toán không thay đổi qua các năm. Giả thiết này còn được gọi là nguyên tắc “đồng tiền cố định”. Theo nguyên tắc này, khi lập bảng cân đối kế toán, kế toán viên sẽ cộng số dư của các Tài khoản “Tài sản” với nhau mặc dù những giá trị này đã được ghi nhận ở những thời điểm khác nhau. Một đồng tiền chi mua tài sản cố định ở năm 1998 được coi là có cùng giá trị với một đồng tiền trong năm 2008. Vấn đề đặt ra là giá trị của hai đồng tiền đó có ngang nhau hay không? Theo nguyên tắc “đồng tiền cố định” thì có, nhưng thực tế thì không cho là như vậy.
Tuy nhiên, cũng theo nguyên tắc trên, khi giá trị của đồng tiền đã thay đổi (do lạm phát cao) thì kế toán viên không thể tiếp tục cho rằng giá trị của đồng tiền không thay đổi. Và do đó, không thể cộng chung các khoản tiền đã được ghi nhận ở những thời điểm khác nhau như năm 1998, năm 2000, năm 2008. Và nếu giá trị của đồng tiền đã thay đổi trong thời gian 11 năm này thì số tổng cộng mà kế toán tính ra sẽ có ý nghĩa tương tự như khi ta cộng cung số đu đủ, măng cụt, xòai hay dứa với nhau. Vậy, trong điều kiện nền kinh tế lạm phát cao, kế toán viên sẽ lập báo cáo tài chính (BCTC) như thế nào nhằm đảm bảo ý nghĩa của thông tin?
Giải pháp duy nhất là phải chuyển tất cả các khoản tiền đã ghi nhận ở các thời điểm khác nhau thành những số tiền ở cùng một thời điểm và do đó, cùng một sức mua có thể cộng chung lại. Tức là, trình bày các số tiền đã ghi nhanạ trong năm 1998 thành một số tiền có giá trị tương đương năm 2008. Tương tự vậy, tất cả các khoản tiền đã được ghi nhận ở những thời điểm khác cũng được đổi thành khoản tiền có giá trị tương đương trong năm 2008. BCTC năm 2008, sau khi chuyển đổi theo mức giá mới sẽ chỉ gồm những số tiền có sức mua gióng nhau (khác với BCTC thông thường). Thủ tục chuyển đổi nói trên rất phức tạp vì ba vấn đề chính sau đây: (1) Chuyển đổi các khoản tiền đã ghi nhận trong các tài khoản kế toán là đi ngược với nguyên tắc “Giá gốc” của kế toán; (2) Việc chuyển đổi các khoản tiền dựa trên cơ sở nào?; (3) Làm thế nào để thực hiện việc chuyển đổi?
Trong đó, các nhà khoa học về kế toán đã chứng minh việc chuyển đổi số dư các Tài khoản “Tài sản” là không trái với nguyên tắc giá gốc. Lý do là chỉ trình bày các khoản tiền khác nhau trên cơ sở cùng một sức mua. Giá gốc của mỗi loại tài sản ghi chép trong các tài khoản cho biết tổng sức mua mà DN đã dùng để đổi lấy một tài sản trong một năm nào đó. Nếu ta chỉ trình bày lại sức mua của khoản tiền đó theo sức mua hiện hành của đồng tiền thì ta vẫn tôn trọng nguyên tắc giá gốc của kế toán. “Giá gốc” của các loại tài sản sau khi đã chuyển đổi theo sức mua của đồng tiền không bắt buộc phải bằng với “giá hiện hành”. Điều này phụ thuộc vào ba yếu tố: mức cung cầu của từng nhóm hàng hay dịch vụ trên thị trường; các biện pháp kiểm soát giá cả trên thị trường; sự thay đổi sức mua của đồng tiền.
Về vấn đề chuyển đổi các khoản tiền hay còn gọi là đo lường mức thay đổi sức mua của đồng tiền, có ý kiến để cho các DN tự xác định trên cơ sở sự thay đổi giá cả của những sản phẩm và dịch vụ cần dùng của mình. Tức là, mỗi DN hoặc nhóm DN cùng loại sẽ có cách thức đo lường khác nhau. Giải pháp này được cho là chính xác nhất nhưng đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để tính toán. Ngoài ra, vì mỗi DN có một cách tính riêng nên rất có thể có sự lạm dụng làm sai lệch các con số trình bày trên BCTC. Để khắc phục những trở ngại nói trên, các chuyên gia hàng đầu của kế toán đã thống nhất về cách tính theo mức thay đổi sức mua của đồng tiền trên một cơ sở duy nhất liên quan đến tất cả các sản phẩm có thể có được, đó chính là chỉ số giá cả tiêu dùng do chính phủ công bố. Giải pháp tính theo chỉ số giá cả chung không được chính xác bằng sự đo lường riêng của mỗi DN nhưng đơn giản, dễ làm, tiết kiệm chi phí và có thể kiểm chứng được.
Vấn đề phức tạp nhất là cách thức điều chỉnh các con số trên BCTC theo chỉ số giá cả nào đó được chấp nhận. Việc tính toán, xác định mức thay đổi sức mua của đồng tiền sẽ rất khác nhau với các khoản mục tiền tệ, khoản mục phí tiền tệ cũng như các trường hợp cụ thể khác nhau, nhưng tất cả đều liên quan đến chỉ tiêu lãi, lỗ do thay đổi giá cả được trình bày ở phần vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán. Như vậy, BCTC sau khi điều chỉnh sẽ thể hiện được nhiều thông tin mà ta không thể thấy được trên bảng cân đối kế toán thông thường.
Tóm lại, việc điều chỉnh BCTC theo sự thay đổi của giá cả là công việc cần thiết khách quan, mang tính khoa học và phổ biến trên thế giới, đặc biệt, trong nền kinh tế lạm phát cao. Vụ Chế độ Kế toán Kiểm toán – Bộ Tài chính cũng nên nghiên cứu, xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán về vấn đề này, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thúc đẩy tiến trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Nguồn:Quan Tri Author:PGS. TS Bùi Văn Dương; THS. Võ Minh Hùng