Truyền thông đã không ngừng nhắc đến họ: Thế hệ “Chúng ta”, thế hệ của những người đa năng, thế hệ của điện thoại thông minh, v…v. “Họ” là Thế hệ trẻ (Millennials). Trong loạt blog tháng 11 này, hãy phóng tầm nhìn sâu hơn vào thế hệ đã làm hao tốn biết bao giấy mực dư luận khi tiến hành “cuộc xâm lăng” của mình vào lực lượng lao động toàn cầu.
Thực tế cho thấy không có cột mốc chính xác cho thời điểm bắt đầu hay kết thúc của thế hệ này nhưng một cách tổng quan, “Lao động trẻ” - Millennial là những người đến tuổi trưởng thành kể từ đầu thiên niên kỷ mới này. Nhóm này chiếm xấp xỉ 35% lực lượng lao động toàn cầu hiện nay và được biết đến với những đặc trưng tính cách như am hiểu công nghệ, luôn đề cao mục đích làm việc và thay đổi, hoặc sáng tạo. Ở Việt Nam, Millennials được đánh giá là thế hệ được đào tạo bài bản và năng động nhất. Và khi những thế hệ đi trước dần “lùi vào hậu trường”, người trẻ dần khẳng định vị trí lãnh đạo của mình và thổi vào các doanh nghiệp một làn gió mới.
Chúng ta đã nói, đã tìm hiểu rất nhiều về họ, nhưng liệu ta đã thấu hiệu nhu cầu, nguyện vọng của họ?
Là hy vọng của tương lai, lao động trẻ được đặt trong “tầm ngắm” của các nhà phân tích để tìm hiểu sở thích. Nhưng bên cạnh những tính từ miêu tả thường gặp, lại xuất hiện một kết quả gây shock về cách nhìn nhận đối với những kỳ vọng của thế hệ hệ ở nơi làm việc.
Khi được hỏi “Lực lượng lao động trẻ ưu tiên điều gì nhất trong công việc?”, câu trả lời giữa các nhà quản lý và thế hệ trẻ khá khác nhau. Lương cao không hẳn là yếu tố quan trọng nhất để níu chân nhân viên trẻ tuổi nhưng nhiều nhà quản lý lại cho yếu tố này quan trọng hàng đầu đối với người trẻ. Trên thực tế, công việc có ý nghĩa và cảm giác được công nhận bởi quản lý là điều thế hệ này quan tâm nhất. Mặt khác, người trẻ còn mong muốn có được cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến sự nghiệp cũng như sự linh động và phản hồi thường xuyên khi làm việc. Đáng buồn thay, chỉ dưới 20% nhà quản lý nhận biết được sự kỳ vọng này.
Thật là một hiện trạng đáng suy ngẫm. Chúng ta nhận ra vai trò, tầm quan trọng của họ nhưng lại hiểu sai về nhu cầu, mong ước của họ. Tình trạng này còn có thể khiến những gì chúng ta mang đến cho họ (môi trường, sự hỗ trợ hay thâm chí thử thách) đều hoàn toàn không khớp với những gì họ mong muốn nhận được từ chúng ta, và dễ khiến lòng trung thành họ dành cho doanh nghiệp còn lung lay hơn trước đây.
Sự bất đồng quan điểm này còn mang đến một giả thuyết rằng ta có thể đang đánh giá sai cả thế hệ này chỉ vì những định kiến. Nhưng đó là câu chuyện của tuần sau. Bài học mấu chốt trong tuần này tất nhiên là một cảnh báo dành cho nhà tuyển dụng. Nếu bạn đã dành thời gian tìm hiểu thế hệ trẻ, hãy ứng dụng những thông tin đó để giúp những ưu điểm của người trẻ tỏa sáng trong tổ chức mình!
Tuần sau, chúng ta sẽ tiếp tục cùng trao đổi về một chủ đề khác trong loạt bài về thế hệ trẻ. Nhưng trước hết, bạn hãy trả lời câu hỏi nhanh này “Làm thế nào để tuyển dụng một nhóm hiệu quả gồm những nhân viên trẻ tuổi và năng động?”. Chúng tôi mong nhận được câu trả lời của bạn!