Trang Blog

Silent Treatment - Khi Im Lặng Không Còn Là Vàng!

Written by Mai Hoai Thu | Mon, Dec 16, 2024

Không cần phải cãi vã ầm ĩ bằng từ ngữ nặng nề. Tác nhân gây ra tổn thương tâm lý đau đớn nhất có thể đến từ việc… không làm gì cả.  

Cảm giác như là—khi bạn bước vào một căn phòng mà mọi người đang vui vẻ trao đổi bỗng đột nhiên im lặng. Lúc ấy, chắc chắn bạn cảm thấy vô cùng khó xử vì đôi khi, chỉ cần một người thay đổi bầu không khí cũng đủ làm cho những người xung quanh cảm thấy không thoải mái. Sự im lặng này không chỉ gây khó chịu; nó có thể làm dậy lên những suy nghĩ vẩn vơ trong tâm trí của một cá nhân và ảnh hưởng đến toàn bộ bầu không khí tại nơi làm việc. 

Nội dung bài viết

I. Silent treatment: Chiêu trò im lặng

II. Tại sao lại chọn chiêu trò im lặng thay vì giao tiếp mở

III. Ảnh hưởng tới cá nhân

IV. Tác động xấu đến đội nhóm

V. Tai tiếng cho tổ chức

VI. Cách nhận biết khi nào sự im lặng độc hại đang xảy ra

VII. Bộ phận Nhân sự có thể giúp xây dựng cách thức giao tiếp cởi mở như thế nào?

IV. Tóm lại

Silent treatment: Chiêu trò im lặng 

Trong môi trường công sở, điều này bắt đầu thông qua việc từ chối giao tiếp bằng lời nói với một cá nhân và đối xử với người đó như thể họ không tồn tại. Viện Nghiên cứu Bắt nạt ở Nơi làm việc (Workplace Bullying Institute) giải thích rằng những kẻ bắt nạt sử dụng chiêu trò này để bỏ rơi những nhân viên bị nhắm đến trong các cuộc trò chuyện, phớt lờ ý kiến của họ trong các cuộc họp, từ chối trả lời câu hỏi và không đọc email trong công việc. Hơn hết, những kẻ bắt nạt này có thể là sếp hoặc đồng nghiệp xung quanh.

Xem thêm: Khi Các Nhà Quản Lý Thầm Lặng Khơi Dậy Uy Quyền Từ Trong Bóng Tối 

Tại sao lại chọn chiêu trò im lặng thay giao tiếp mở? 

Có nhiều lý do đứng sau sự im lặng có phần độc hại này, bao gồm: 

  1. Bảo vệ bản thân 

Thường thấy nhất là lúc một nhân viên mới gia nhập công ty, họ sẽ không tránh khỏi những khoảnh khắc im lặng khó xử vì đồng nghiệp chung đội nhóm chưa có đủ thời gian để tìm hiểu về các mối quan tâm, sở thích chung để bắt đầu câu chuyện. Những cá nhân có tính cách kín đáo, rụt rè thường chọn im lặng trước khi xác định xem người này liệu có là một đồng đội chung chiến tuyến hay không. Đó là lúc để mọi người tìm hiểu xem "tần số" của họ có khớp nhau không. 

  1. Sợ làm tổn thương người khác 

Suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, một lý do khác cần được cân nhắc là có cá nhân cảm thấy thiếu tự tin khi bắt đầu cuộc trò chuyện, vì họ nhận thức được rằng họ thiếu kỹ năng giao tiếp. Điều này dẫn đến những lo lắng không cần thiết khi vô tình làm tổn thương người đối diện. 

  1. Trả thù đối phương 

Có thể đã xảy ra một cuộc cãi vã lớn từ trước và sau đó họ sử dụng chiêu trò im lặng để trả thù đồng nghiệp—những kẻ thù trực tiếp của họ—để phản kháng và thể hiện sự không đồng tình. Thú vị là, người sử dụng cách thức này đối với đồng nghiệp hiện tại cũng có thể là nạn nhân đã từng trải qua giày vò của chiêu trò này trong quá khứ. Và bây giờ, họ hành xử theo cách tương tự để gây cản trở người khác. 

Xem thêm: Vì sao Gen Z lại thích làm việc ở văn phòng hơn là làm ở nhà?  

Back to the top

Ảnh hưởng đến cá nhân

Tưởng tượng khi bạn vô tình trở thành nạn nhân của sự im lặng độc hại, cảm giác này thật sự không dễ chịu. Đặc biệt đối với những người mới và đang trong quá trình hòa nhập với môi trường làm việc mới. Dưới đây là các tác động tiêu cực tiêu biểu đến cá nhân trong môi trường công sở: 

  1. Cảm xúc lên xuống thất thường: Bị phớt lờ có thể gây tổn thương lớn, khiến cá nhân tự hỏi vị trí của mình trong nhóm và có thể dẫn đến cảm giác lo âu hoặc buồn bã. Sự việc càng nghiêm trọng hơn đối với những người hay suy nghĩ nhiều, thường có xu hướng coi trọng mọi thứ, sự im lặng sẽ làm tăng mức độ căng thẳng, vì không biết lý do tại sao mình bị gạt ra ngoài có thể rất căng thẳng.
  1. Động lực giảm sút: Quả thật rất khó để duy trì sự hứng khởi với những gì cá nhân này đang cố gắng hoàn thành khi thiếu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp xung quanh. Công việc hằng ngày có thể trở nên đơn điệu và cô đơn, vì không có ai để chia sẻ hoặc cùng trên chiến tuyến khiến họ cảm thấy bị tách biệt với đội nhóm.
  1. Hiệu suất giảm: Khi có sự đứt gãy trong quá trình giao tiếp, năng suất và hiệu suất làm việc của nhóm nói chung và của cá nhân nói riêng chắc chắn đều bị ảnh hưởng. Rõ ràng, kết quả đi xuống là điều có thể dự báo trước.

Xem thêm: Thủ tục chào đón nhân sự mới không chỉ để cho vui  

Back to the top

Tác động xấu đến đội nhóm

Xem xét vấn đề này từ một góc độ rộng hơn, chiêu trò im lặng không chỉ ảnh hưởng đến người bị phớt lờ. Nó có thể làm xáo trộn toàn bộ đội nhóm gồm những cá nhân không liên quan: 

  1. Hiểu lầm không đáng có: Im lặng trong giao tiếp sinh ra sự nhầm lẫn. Khi mọi người ngừng tương tác với nhau, những hiểu lầm xuất hiện thường xuyên hơn căng thẳng dần leo thang. Kết quả sẽ như thế nào? thể dễ dàng dự đoán được rằng sự minh bạch thống nhất của toàn bộ đội nhóm sẽ bị phá vỡ.
  1. Hợp tác không có chiều sâu: Nếu mọi người rút vào vỏ bọc của mình, sự hợp tác sẽ không có hiệu quả. Một dự án cần nhiều thành viên trong đội tham gia với sự cam kết để đạt được kết quả cao nhất; sự hợp tác toàn diện là cần thiết. Trước hết, bất kì mối quan hệ hợp tác nào đều cần có sự giao tiếp cởi mở theo hướng tích cực trong khi sự im lặng độc hại có thể giết chết điều đó.
  1. Phá hủy sự thống nhất: Hiểu lầm và thiếu hợp tác chắc chắn sẽ phá hủy gắn kết trong đội nhóm. Và khi trong một nhóm, các thành viên không có mục tiêu chung hoặc tiếng nói giống nhau, thật khó để họ cùng nhau chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ.
    Xem thêm: 6 chiến lược để thu hút, gắn kết và giữ chân nhóm làm việc từ xa

Tai tiếng cho tổ chức

Ở cấp độ doanh nghiệp, những vấn đề phát sinh từ sự im lặng cũng có thể có tác động tiêu cực: 

  1. Giảm hiệu quả công việc: Giao tiếp kém giữa các nhóm làm chậm quy trình làm việc. Nó có thể làm trật đường ray trong quá trình đạt được các mục tiêu tổ chức, điều này xuất phát từ những cá nhân và nhóm có hiệu suất thấp.
  1. Tai tiếng hơn danh tiếng: Khi tên tuổi của một công ty gắn liền với tin đồn xấu có thể gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Có ai lại muốn cống hiến ở một nơi làm việc độc hại để tàn phá tinh thần của bản thân? Hơn nữa, sẽ mất nhiều thời gian và công sức để một công ty xây dựng lại danh tiếng của mình.
  1. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng cao: Những nhân viên giỏi muốn làm việc trong một môi trường tốt, nơi họ thể phát huy toàn bộ tài năng tiềm năng của mình. Khi môi trường làm việc tràn ngập sự im lặng độc hại, công ty đó sẽ đứng trước nguy mất đi nhân tài, dẫn đến việc phải chi tiêu nhiều hơn cho quá trình tuyển dụng đào tạo.
  1. Khó khăn trong lãnh đạo: Các giám đốc điều hành và quản lý cấp cao sẽ đối mặt với các trở ngại khác nhau trong một nền văn hóa công sở, nơi im lặng chiếm ưu thế—việc vượt qua xung đột cá nhân trở thành một thách thức lớn. Rõ ràng, họ sẽ không thể dồn 100% sự tập trung vào kế hoạch chiến lược hoặc các sáng kiến mới cho toàn công ty mà phải chú ý đến việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn liên quan đến quan hệ nhân viên. 

Xem thêm: 2 lý do khiến nhân viên gắn bó lâu dài với công ty 

Cách nhận biết khi nào sự im lặng độc hại đang xảy ra

Nếu bạn đang ở vị trí quản lý hoặc làm việc tại bộ phận nhân sự, việc phát hiện ra sự bất thường này là rất quan trọng khi xây dựng hoặc tái cấu trúc đội nhóm. Dưới đây là một số dấu hiệu cần chú ý: 

  1. Thay đổi hành vi: Nếu một người từng tích cực tham gia các câu chuyện đùa vui bắt đầu rút lui hoặc trở nên im lặng trong các cuộc họp, thường ngồi cách xa đồng nghiệp. Những tín hiệu này cho thấy có thể có vấn đề ẩn sâu bên dưới, như xung đột hoặc sự cô lập, cần được giải quyết trước khi chúng leo thang.
  1. Tránh giao tiếp: Nhân viên hạn chế giao tiếp bằng mắt, lẩn tránh việc đóng góp ý kiến, hoặc có vẻ ngần ngại chia sẻ ý tưởng, các dấu hiệu này cho thấy có thể họ cảm thấy không thoải mái trong môi trường làm việc.
  1. Sự khác biệt trong động lực nhóm: Nếu một số cá nhân liên tục chiếm ưu thế trong cuộc trò chuyện trong khi những người khác vẫn giữ im lặng, điều đó có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng quyền lực do các phương pháp im lặng tạo ra. Rõ ràng là động lực nhóm khác biệt như vậy có thể kìm hãm sự hợp tác và đổi mới.

Xem thêm: 13 Quy Tắc Cần Phải Tuân Thủ Khi Sử Dụng Bài Đánh Giá Tâm Lý 

Bộ phận HR có thể giúp xây dựng cách thức giao tiếp cởi mở như thế nào?

Khi các thành viên trong đội nhóm từ chối giao tiếp với một số cá nhân, họ - nạn nhân của chiêu trò im lặng - tự đặt bản thân trong ngổn ngang các băn khoăn để tìm hiểu người khác đang thật sự nghĩ gì. Điều này lý giải tại sao việc tạo dựng nét văn hóa nơi mọi người cảm thấy được thuộc về, được đánh giá cao và khuyến khích lên tiếng là cực kỳ quan trọng.

Bộ phận nhân sự không thể đứng ngoài cuộc cải cách này vì họ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng. Dưới đây là một số cách đơn giản để khuyến khích giao tiếp mở: 

  1. Khảo sát ẩn danh: Thực hiện một cuộc khảo sát có cấu trúc để cung cấp cho nhân viên một nơi an toàn cho phép họ chia sẻ ý kiến mà không sợ bị phê phán. 
  1. Workshop đào tạo: Tập trung vào kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột để có thể trang bị cho nhân viên kỹ năng cần thiết trong việc xử lý các cuộc trò chuyện khó khăn một cách hiệu quả, dù là trong nội bộ nhóm hay giữa các phòng ban. 
  1. Có quy trình rõ ràng: Thiết lập các hướng dẫn rõ ràng và công khai, bao gồm một số mục chính như báo cáo cho ai? Bao lâu thì báo cáo được xử lý? Về cách giải quyết tình trạng bắt nạt tại nơi làm việc và sự tẩy chay để các vấn đề có thể được giải quyết trước khi chúng leo thang. 
  1. Khuyến khích đa dạng và hòa nhập: Xây dựng một nền văn hóa trân trọng những quan điểm khác nhau sẽ có ít khả năng ai đó cảm thấy bị gạt ra ngoài, vì mọi người sẽ cởi mở hơn trong việc chấp nhận sự khác biệt về văn hóa đến nền tảng xã hội giữa các cá nhân.
  1. Lãnh đạo là tấm gương: Khuyến khích lãnh đạo làm gương cho nhân viên. Khi ban quản lý giải quyết các vấn đề một cách công khai, điều này khuyến khích những người khác cũng làm như vậy. Nếu lãnh đạo tỏ thái độ với các đồng nghiệp, họ có thể xem như vô tình, nhưng về bản chất, đang khuyến khích người khác hành xử tương tự.

Xem thêm: 6 chiến lược để thu hút, gắn kết và giữ chân nhóm làm việc từ xa 

Tóm lại

Chiêu trò im lặng là một tác nhân gây hại, phá hủy động lực làm việc, ảnh hưởng đến từng cá nhân, đội nhóm và cả tổ chức. Việc giải quyết tình trạng này càng sớm càng tốt, không chỉ giúp các cá nhân cảm thấy tốt hơn mà còn làm thắt chặt gắn kết tại nơi làm việc, tạo ra một môi trường tích cực và hiệu quả hơn cho mọi người. Bộ phận nhân sự và những người có vai trò quản lý góp phần không thể thiếu trong việc xây dựng một nền văn hóa mở, khuyến khích giao tiếp trực tiếp, từ đó giúp giảm bớt gánh nặng của sự im lặng.