Tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo đối với hiệu quả của doanh nghiệp là điều đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh cách định nghĩa và đo lường hiệu quả lãnh đạo, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi mà các tập đoàn đa quốc gia thường xuyên luân chuyển quản lý và lãnh đạo của họ từ nước này qua nước khác.
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để đo lường hiệu quả lãnh đạo? Các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp từ những quốc gia khác nhau có sở hữu cùng ưu điểm và nhược điểm không?
Hệ thống phản hồi 360°
Để trả lời cho những câu hỏi trên, TRG Talent đã thu thập và phân tích dữ liệu của hơn 3.600 người từ 4 quốc gia (Việt Nam, Na Uy, Rumani và Philippines) bằng Hệ thống phản hồi 360°. Hệ thống này sử dụng phản hồi không chỉ từ chính bản thân các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp mà còn từ những nhóm đối tượng có cơ hội quan sát hành vi của quản lý, lãnh đạo trong môi trường công việc.
Tổng cộng có 419 nhà quản lý, 1.340 cấp dưới trực tiếp, 1.383 đồng cấp và 332 người khác tham gia khảo sát. Mỗi người này sẽ trả lời một bộ 70 câu hỏi về hành vi của các Quản lý trong công việc, dựa trên 18 nhóm kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Bạn cũng có thể tải kết quả chi tiết tại đây.
Đọc thêm: 3 bài viết ấn tượng năm 2016 của TRG Talent
Đo lường hiệu quả lãnh đạo
Đo lường hiệu quả lãnh đạo như thế nào? Các nhà quản lý và lãnh đạo từ những quốc gia khác nhau có sở hữu cùng ưu điểm và nhược điểm không? Để trả lời được những câu hỏi trên, trước tiên ta cần xác định một “điểm tham chiếu”. May mắn là hệ thống phản hồi 360° đã có sẵn “điểm tham chiếu” đó – gọi là mức chuẩn.
Mức chuẩn được lập ra dựa trên phân tích dữ liệu từ nhiều ngành nghề và tổ chức khác nhau. Những quản lý nào có điểm đánh giá nằm trong mức này được xem là “quản lý hiệu quả” dựa trên quan điểm của công ty họ. Từ đó thiết lập một điểm tham chiếu tiêu chuẩn toàn cầu cho định nghĩa “quản lý hiệu quả”. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn những kỹ năng đạt hiệu quả cao nhất và thấp nhất của quản lý ở từng quốc gia.
So sánh về ưu điểm
Bảng dưới đây thể hiện danh sách 3 kỹ năng hàng đầu của các quản lý tại từng quốc gia:
Điều thú vị ở kết quả trên là những lãnh đạo và quản lý từ cả bốn quốc gia có điểm mạnh rất giống nhau. Kỹ năng “Xây dựng niềm tin” xuất hiện ở cả bốn danh sách. Kỹ năng “Thể hiện cam kết” được xem là một ưu điểm của các quản lý ở ba trên bốn quốc gia. 2 kỹ năng “Nắm vững công việc” và “Làm việc hiệu quả” đều xuất hiện hai lần trong bốn danh sách, đồng thời 2 kỹ năng này cũng thuộc cùng một bộ năng lực “Quản lý công việc”. Chỉ có kỹ năng “Thích nghi hoàn cảnh” là xuất hiện đúng một lần ở một quốc gia.
Trong thế giới toàn cầu hóa phức tạp này, những lãnh đạo và quản lý liêm chính thực sự là gốc rễ và tâm hồn của doanh nghiệp. Họ là những gương lãnh đạo xuất sắc thông qua nguồn năng lượng tích cực mà họ lan tỏa cho những người xung quanh.
Một điều cũng đáng chú ý là những quản lý đến từ hai quốc gia châu Âu đạt điểm rất cao trong kỹ năng “Làm việc hiệu quả”. Điều này cho thấy rằng họ có khả năng tận dụng công nghệ hiện tại và những nguồn lực bên ngoài một cách hiệu quả. Trong khi đó, đây lại không phải là kỹ năng hàng đầu của các quản lý người Việt Nam và Philippines. Tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin đang là một nhu cầu cấp thiết ở những nền kinh tế đang phát triển.
So sánh về khuyết điểm
Bảng dưới đây thể hiện danh sách 3 kỹ năng kém nhất của các quản lý tại từng quốc gia:
Không giống bảng ưu điểm, bảng nhược điểm cho thấy sự khác biệt rõ hơn giữa các quốc gia. Không có kỹ năng chung nào xuất hiện ở cả bốn danh sách và có ba kỹ năng chỉ xuất hiện đúng một lần.
Nhược điểm xuất hiện thường xuyên nhất là “Tư duy sáng tạo” – khả năng tiếp cận công việc một cách sáng tạo, khơi dậy tinh thần đổi mới, tinh thần mạo hiểm trong cách giải quyết vấn đề. Kỹ năng này được xem là nhược điểm lớn nhất của quản lý người Việt Nam, Philippines và Na Uy.
Tình hình kinh tế hiện nay chỉ có thể được tóm gọn bằng một từ: “VUCA” (Volatility – biến động, Uncertainty – bất ổn, Complexity – phức tạp và Ambiguity – mơ hồ). Một doanh nghiệp toàn cầu phải luôn luôn thay đổi để thích nghi với môi trường không ngừng biến động. Những lãnh đạo doanh nghiệp nào không có khả năng tư duy sáng tạo chắc chắn sẽ thất bại.
Tuy nhiên, điều đáng báo động nhất là các quản lý đạt điểm rất thấp trong những kỹ năng liên quan đến giao tiếp. Kỹ năng “Lắng nghe” và “Xử lý thông tin” được xem là nhược điểm ở hai nước còn “Truyền đạt hiệu quả” thì xuất hiện một lần.
Giao tiếp hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng nhất đem lại thành công trong công tác lãnh đạo và quản lý. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã đưa ra kết luận tương tự. Tuy nhiên, có vẻ như các quản lý toàn cầu vẫn chưa thể đạt được kỳ vọng về giao tiếp. Đây là một vấn đề cấp bách cần các tổ chức quan tâm và giải quyết.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các nhà quản lý và lãnh đạo trên khắp thế giới cũng có ưu và nhược điểm khá giống nhau. Họ đều là những người liêm chính, đáng tin cậy và là thành viên tận tụy với tổ chức. Tuy nhiên, năng lực giao tiếp là nhược điểm lớn nhất cần phải khắc phục.
Bạn có thể tải báo cáo chi tiết về kết quả của nghiên cứu này tại đây.
Đăng ký nhận tin từ TRG Talent để được cập nhật thường xuyên về những quan điểm, khía cạnh mới trong công tác nhân sự của doanh nghiệp!