<img src="https://certify.alexametrics.com/atrk.gif?account=53pUm1a4KM+2vg" style="display:none" height="1" width="1" alt="">

Quản lý rủi ro tài chính trong doanh nghiệp: Cần quan tâm hơn nữa

Đăng bởi Thuy Tien Tran vào

Lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ nhiều khả năng còn kéo dài, đồng USD xuống giá, cấu trúc tài chính tiền tệ của nền kinh tế thế giới đang bị phá vỡ do nhu cầu năng lượng và khoáng sản gia tăng mạnh mẽ… đang đặt ra cho nhiều doanh nghiệp những rủi ro tài chính.

Nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro tài chính và những biện pháp phòng tránh là nội dung thiết thực đặt ra tại Hội thảo Quản lý rủi ro tài chính - chuyên đề đầu tiên trong chuỗi hội thảo “Lo ngay lánh nguy” - do Công ty Le & Associates tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi trung tuần tháng Năm.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến quản lý rủi ro tài chính: Vì sao?

TS. Hà Xuân Trừng - Chủ tịch HĐQT Công ty Stellar Management - cho rằng một trong những thuộc tính của rủi ro là hiếm khi xảy ra, tương tự như câu chuyện về “con thiên nga đen” trong quan niệm của người phương Tây. Ông nói: “Trong suốt một khoảng thời gian rất dài, người phương Tây luôn quan niệm rằng tất cả những con thiên nga đều trắng. Chỉ đến khi con thiên nga đen đầu tiên được tìm thấy tại châu Úc vào thế kỷ XVII, người ta mới nhận ra mình đã nhầm”. Thiên nga đen (The black swan) cũng chính là tựa cuốn sách bàn về quản lý rủi ro khá nổi tiếng của Nassim Nicholas Taleb xuất bản tại Mỹ. The black swan - bán được 370 ngàn bản tại thị trường nội địa, đứng trong danh sách bestseller của Thời báo New York suốt 17 tuần và được dịch ra 27 ngôn ngữ tính đến tháng 4/2008 - đặc biệt nhấn mạnh về tính ngẫu nhiên của rủi ro.

Ngoài ra, theo TS. Hà Xuân Trừng, sự “lạc quan thái quá” của chủ doanh nghiệp cũng là mầm mống dẫn đến rủi ro. Thông thường, khi đầu tư vào một dự án, các doanh nhân thường chú ý đến xác suất thành công hơn là khả năng thất bại. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dự toán chi phí các dự án về hạ tầng cơ sở ở Anh sai thực tế từ 20% - 50% trong suốt 70 năm qua. Độ chính xác không hề được tăng lên mặc dù những người lập dự toán ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

“Môi trường kinh doanh chưa hoàn chỉnh, thay đổi rất nhanh, là một nguyên nhân tạo ra rủi ro tài chính” - ông Trần Sĩ Chương - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Le & Associates - nói. Cụ thể, thời gian qua, có những người đã thu được những mối lợi rất to trong khi chỉ chấp nhận những rủi ro rất nhỏ. Dù ít dù nhiều, những người này đã bị thành công “ru ngủ”. Đó cũng là lúc rủi ro xuất hiện và rình rập.

Một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đánh giá đúng mức quản lý rủi ro là do yếu tố về văn hóa. Người Á Đông thường né tránh nhắc đến rủi ro vì cho rằng đó là chuyện xui xẻo, trong khi người phương Tây lại đặc biệt xem trọng. Chẳng hạn, nhiều người phương Tây đã lập di chúc khi bước vào ngưỡng tuổi 40, còn người Á Đông có khi đến lúc “liệt giường liệt chiếu”, đầu óc không còn tỉnh táo thì mới quyết định quyền thừa kế. Ông Trương Xuân Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Nguyễn Kim - người từng làm việc cho hai tập đoàn đa quốc gia là Tetra Pak và Glaxo Smithline - nói: “Đưa ra kịch bản về những tình huống xấu có thể xảy ra là một phương pháp mà các công ty phương Tây thường dùng khi quản lý rủi ro. Chẳng hạn, khi ban lãnh đạo doanh nghiệp đi công tác hoặc du lịch thì tổng giám đốc và phó tổng giám đốc thường là không bao giờ bay cùng một chuyến. Lý do là họ tính đến tình huống xấu nhất là một máy bay rơi, thì vẫn có người tiếp tục điều hành doanh nghiệp”.

Xu hướng kinh doanh đa ngành đã hình thành trong thời gian qua. Hàng loạt các tập đoàn thành lập các công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản, thậm chí mở cả ngân hàng... Việc đổ vốn vào lĩnh vực đầu tư tài chính không chỉ tạo ra rủi ro cho bản thân các doanh nghiệp, mà còn trở thành mối nguy tiềm tàng cho nền kinh tế. Ông Huỳnh Bửu Quang - Giám đốc Toàn quốc khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp Ngân hàng HSBC tại Việt Nam - cho biết từ đầu đến cuối thế kỷ XX, rất nhiều doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty hàng đầu của Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Fortune đã phá sản vì kinh doanh đa ngành.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thủy sản xuất khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu (xin giấu tên) cho biết vấn đề khiến ông đau đầu nhất hiện nay là rủi ro tỷ giá. Ông cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, tôi xuất một container. Thời điểm đó, với giá trị hợp đồng là một tỉ đồng, tôi có thể mua được 22 tấn cá. Nhưng do hình thức thanh toán là trả chậm bằng USD, đến tháng 5/2008, tôi mới thu được tiền về. Do đồng USD xuống giá so với tiền đồng và phải trả lãi suất ngân hàng, tôi chỉ có thể mua được 14 tấn cá. Tôi nghĩ không phải doanh nghiệp không có ý thức đánh giá rủi ro mà là đánh giá rủi ro… không hết”. Thậm chí, tổng giám đốc một công ty chứng khoán (cũng xin giấu tên) còn nói rằng cách nay một năm rưỡi mà người ta tiên liệu được tình hình hiện nay thì chắc chắn không ai dám mở ngân hàng. Lại có người cho rằng việc phần đông những doanh nghiệp tư nhân hiện nay “hờ hững” với quản lý rủi ro là do quy mô khá nhỏ, giống như con nhà nghèo nên ít có điều kiện quan tâm đến sức khỏe.


Đừng đợi nước đến chân mới nhảy

Định luật Murphy (Murphy’s Law) nói rằng: “Những gì có thể xảy ra được là sẽ xảy ra”. Theo TS. Hà Xuân Trừng, để phòng ngừa rủi ro, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, các doanh nghiệp nên đưa ra nhiều kịch bản, từ tốt nhất đến xấu nhất. Nhờ vậy mà doanh nghiệp sẽ không bị động khi điều tồi tệ nhất xảy ra. Theo ông Trần Sĩ Chương, vấn đề mấu chốt để giảm thiểu rủi ro chính là vai trò ý thức rủi ro và quản lý nó của người chủ doanh nghiệp.

Lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chính sách thắt chặt tiền tệ có thể còn kéo dài… đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tỷ giá, lãi suất và thanh khoản được xem là ba rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đương đầu. TS. Hà Xuân Trừng khuyến nghị doanh nghiệp tìm cách chia sẻ bớt rủi ro với các tổ chức tài chính như ngân hàng, bảo hiểm... Trong ba loại rủi ro trên, duy trì thanh khoản - vốn lưu động là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp nên tính toán các phương án để đẩy nhanh tốc độ quay vòng của vốn lưu động. Ký các hợp đồng ngắn hạn, tích cực thu hồi nợ, hạn chế bán trả chậm, cắt giảm chi phí… là những phương án được nhiều doanh nghiệp đồng tình vào thời điểm này. Ông Trần Sĩ Chương nói: “Cân bằng giữa vốn và nợ, thu và chi là điều các doanh nghiệp phải quan tâm”.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group - cho rằng lạm phát là vấn đề toàn cầu, không phải là chuyện riêng của Việt Nam nhưng do nội lực chưa đủ mạnh nên có thể chúng ta phải chịu cú sốc này nặng hơn những nước khác. “Có thể cấu trúc tài chính hiện nay đang bị phá vỡ để thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, qua cơn bĩ cực ắt sẽ đến đến hồi thái lai” - ông Vũ dự đoán.

Khoảng thời gian ba giờ đồng hồ là quá khiêm tốn để giải đáp những khúc mắc của tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của quản lý rủi ro tài chính thì cũng là lúc họ khởi đầu quá trình củng cố “hệ miễn dịch” của mình, đồng thời hóa giải bớt những rủi ro không đáng có.

Nguồn: doanhnhan 

Chủ đề: Phần mềm Infor10 CPM, Hợp nhất tài chính, Quản lý tài chính, Quản lý hoạt động doanh nghiệp, Lên kế hoạch và lập ngân sách, Quản lý nhân tài

Sự kiện sắp tới:

Sự kiện:

Các bài viết mới nhất

Bài viết xem nhiều nhất

Mục tiêu & Sứ mệnh

RY - profile picture-1

 Rick Yvanovich
//Người sáng lập & Giám Đốc Điều Hành//

Với trang blog của TRG International, sứ mệnh của chúng tôi là trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy và là người có thể cung cấp các giải pháp hoạt động tối ưu cho doanh nghiệp bạn. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi giúp doanh nghiệp của bạn càng ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Đăng ký nhận bài viết từ TRG

Kết nối với chúng tôi