Cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (G&A) là mục tiêu mà đa số cổ đông và quản lý cấp cao muốn hướng tới. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây thì kiểm soát quá chặt các chi phí này sẽ gây hại đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh
Hãng nghiên cứu và tư vấn CEB, trực thuộc tập đoàn Gartner Inc., đã xác định một nhóm 60 doanh nghiệp đang dẫn đầu trong ngành nghề kinh doanh của mình, dựa trên cả doanh thu và lợi nhuận.
Với mỗi doanh nghiệp thuộc nhóm đầu này, CEB sẽ xác định một doanh nghiệp khác trong ngành nghề tương ứng nhưng với hiệu quả kinh doanh thấp hơn, từ đó tạo ra nhóm đối chứng (control group) cũng gồm 60 doanh nghiệp để thực hiện việc so sánh.
Không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp thuộc nhóm đầu có mức tỷ suất tổng lợi nhuận cho cổ đông hàng năm (total shareholder return) ở mức cao là 7,5%. Điểm đáng lưu ý là các doanh nghiệp này cũng đồng thời có chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trung bình cao hơn nhóm đối chứng đến 16%.
Đây không phải là lần đầu một nghiên cứu từ CEB đưa ra kết luận này. Dennis Gannon, một nhà tư vấn cấp cao tại CEB, cũng thừa nhận rằng đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trong 5 – 6 năm qua, đã có không ít quản lý tài chính tại doanh nghiệp bày tỏ sự bất đồng với luận điểm này của CEB.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết cho dù hãng tư vấn này luôn đi đến cùng một kết luận sau mỗi nghiên cứu, bất luận họ dùng cách tiếp cận nào.
Ông bổ sung thêm rằng những công ty dẫn đầu thị trường có chi phí quản lý doanh nghiệp đủ để bổ sung nguồn lực cần thiết một cách kịp thời, ví dụ như tuyển đúng người tài ngay khi công ty có nhu cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dẫn đầu cũng có nhiều tiền mặt hơn các doanh nghiệp còn lại trung bình 15% (tính theo tỷ lệ tiền mặt / tổng tài sản). Nghiên cứu này đã khẳng định giá trị chiến lược của tiền mặt trong việc giúp doanh nghiệp phản ứng mau lẹ hơn với sự thay đổi của thị trường, ví dụ như mua lại doanh nghiệp khác hay bổ sung năng lực còn thiếu của doanh nghiệp.
Nhìn chung, những doanh nghiệp thành công thường tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng chiến lược thay vì chỉ cố gắng cải thiện hiệu suất hoạt động qua từng năm. Những doanh nghiệp này trung bình đưa ra ít chỉ thị hơn 22% so với nhóm đối chứng.
“Chúng tôi không muốn nói rằng bạn có thể để chi phí quản lý doanh nghiệp vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng bạn không nên chỉ quản lý nó theo cách áp đặt một chiều từ trên xuống,” ông Gannon kết luận.