Thị trường giải pháp Business Intelligence và Analytics (phân tích dữ liệu) trong những năm gần đây đã trải qua nhiều thay đổi sâu rộng. Đáng chú ý nhất là là xu hướng self-service, nghĩa là cung cấp cho người dùng thông thường khả năng tự xử lý và phân tích số liệu mà không cần nhiều kiến thức chuyên môn về lập trình hay phân tích.
Xu hướng này tiếp tục được thể hiện trong báo cáo thường kỳ Magic Quadrant 2017 của hãng tư vấn danh tiếng Gartner đánh giá, xếp hạng những nhà cung cấp giải pháp BI và phân tích dữ liệu (Hình bên dưới). Theo đó, những tên tuổi lão làng trong ngành giải pháp quản lý doanh nghiệp lại có thứ hạng khá thấp. Thay vào đó, những công ty theo kịp được các xu hướng đột phá mới đã trở thành những nhà cung cấp hàng đầu.
Đọc thêm: 4 cách để trình bày dữ liệu thông minh hơn
Báo cáo Gartner Magic Quadrant cho Business Intelligence & Analytics 2017
Các nhà cung cấp giải pháp Business Intelligence hàng đầu thế giới 2017
Chỉ có 3 nhà cung cấp xuất hiện trong góc phần tư “Leaders” – những nhà cung cấp hàng đầu – là Microsoft, Qlik và Tableau. Trong đó, Microsoft và Tableau tạo được khoảng cách dẫn đầu lớn so với Qlik và những nhà cung cấp còn lại.
Nếu so với kết quả của báo cáo năm trước thì có thể thấy Microsoft và Tableau đã nới rộng được khoảng cách và khẳng định vị thế dẫn đầu của mình. (Hình bên dưới).
Báo cáo Gartner Magic Quadrant cho Business Intelligence & Analytics 2016
Microsoft
Giải pháp Business Intelligence chính của Microft là Power BI, một giải pháp được cung cấp trên nền tảng đám mây Azure, cũng thuộc về Microsoft. Người dùng cá nhân cũng có thể sử dụng phiên bản Power BI cài đặt tại chỗ (on-premises) trên máy tính của mình.
Điểm mạnh
Một ưu điểm chính của Microsoft là tổng chi phí sở hữu (TCO) khá thấp. Phiên bản desktop cho cá nhân được cung cấp miễn phí, còn phiên bản đám mây cho doanh nghiệp có mức phí thuê bao hàng tháng theo từng người dùng cũng khá thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải trả thêm nếu vượt quá ngưỡng dữ liệu 10 Gb cho một người dùng.
Những khách hàng đã sử dụng Power BI đánh giá cao mức độ dễ sử dụng và khả năng thực hiện các phép phân tích phức tạp. Power BI có thể thực hiện data mashup – kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau – và phân tích dữ liệu bán cấu trúc (semi-structured data).
Người dùng doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi từ việc tích hợp giữa Power BI và các giải pháp quản lý khác của Microsoft, gồm Microsoft Flow (quản lý quy trình) và Microsoft Dynamics (giải pháp ERP).
Đọc thêm: 15 giải pháp ERP hàng đầu thế giới trong năm 2016
Điểm yếu
So với những giải pháp khác, Power BI còn khá mới mẻ. Do đó, dịch vụ hỗ trợ của Microsoft vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng của khách hàng, đặc biệt là đối với thời gian phản hồi và thời gian xử lý vấn đề.
Một nhược điểm lớn khác của giải pháp BI từ Microsoft là nó thiếu khả năng xử lý một lượng dữ liệu rất lớn. Nó cũng chưa có tính năng tạo Pivot Table, mà người dùng phải tạo thông qua Excel.
Đọc thêm: Ứng dụng Phân tích dữ liệu vào Quản trị doanh thu khách sạn
Tableau
Những giải pháp BI của Tableau bao gồm Tableau Desktop cho người dùng cá nhân, Tableau Server cho doanh nghiệp, và Tableau Online (phiên bản đám mây của Tableau Server).
Đây là năm thứ 5 liên tiếp mà Tableau được xếp hạng trong hạng mục “Leaders” của báo cáo Gartner. Công nghệ hình ảnh hóa dữ liệu (visualization) và phân tích trực quan (visual analysis) của Tableau giúp những người dùng doanh nghiệp thông thường có thể tự phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định chính xác hơn mà không cần kỹ năng lập trình.
Điểm mạnh
Tableau có thể được xem là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ ảnh hóa dữ liệu và phân tích trực quan, những điểm đặc trưng của các giải pháp Business Intelligence và Analytics hiện đại.
Trong báo cáo năm nay, các giải pháp của Tableau tiếp tục vượt trội về trải nghiệm người dùng và tính khả dụng. Tableau cũng được Gartner đánh giá rất cao trong một tiêu chí quan trọng là khả năng đạt được lợi ích kinh tế.
Tính khả dụng của Tableau càng được củng cố nhờ vào rất nhiều lựa chọn cho khâu huấn luyện người dùng: huấn luyện trực tuyến, webinar (seminar trực tuyến), huấn luyện trực tiếp kiểu truyền thống.
So với Microsoft, khách hàng của Tableau có nhiều sự lựa chọn về phương thức triển khai hơn. Các giải pháp của Tableau có thể được cài đặt tại chỗ (on-premises), triển khai trên nền web (sử dụng nền tảng đám mây của Azure hay AWS).
Đọc thêm: 10 bước để kết hợp quản lý hiệu suất (PM) và BI cho doanh nghiệp trong thế kỷ 21
Điểm yếu
Những nhà cung cấp khác cũng đang bắt kịp công nghệ phân tích trực quan, và do đó nó không còn là ưu thế độc quyền của Tableau nữa. Ngoài ra, các đối thủ cũng đang gây sức ép với chính sách giá mềm hơn.
Đăng ký nhận tin từ Blog của chúng tôi để liên tục được cập nhật thông tin mới nhất về Business Intelligence & Analytics.