Trong bài viết trước, chúng ta đã đề cập đến lời khuyên đầu tiên trong số ba lời khuyên mà các nhà tâm lý học đưa ra để giúp bạn trở nên hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn. Sau đây là lời khuyên thứ hai.
LỜI KHUYÊN 2: ĐỪNG CHỈ LÀM VIỆC BẠN GIỎI NHẤT.
HÃY THỬ LÀM NHỮNG VIỆC NGƯỜI KHÁC CẦN NGƯỜI LÀM.
Nhiều người tin rằng chỉ cần mình làm rất giỏi ở một việc nào đó là đủ ổn rồi. “Ổn” có thể là sẽ không bị mất việc, hiếm khi bị phàn nàn và luôn được khen ngợi. Ngoài ra, ông bà ta cũng có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Do đó, nhiều người dồn thời gian và công sức đầu tư cho một lĩnh vực nhiều hơn hẳn những lĩnh vực khác để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Nhưng nếu vị trí “chuyên gia số một” ở một lĩnh vực nào đó trong công ty của bạn bị lung lay bởi một nhân viên mới có chuyên môn tốt hơn bạn thì bạn cảm thấy thế nào?
Trên thực tế, ai cũng tự hào về bản thân mình ở một hay một vài lĩnh vực nhất định. Thông thường đó là những việc họ làm giỏi nhất. Tuy nhiên, khép kín bản thân và chỉ chăm chăm đào sâu đúng một lĩnh vực không phải là cách đem lại hiệu quả cao nhất. Khoa học đã chứng minh rằng khi người ta đặt niềm tự hào của mình chỉ vào một điểm, họ đã vô tình đặt mình vào tình huống rủi ro cao và đối mặt với những cảm xúc tiêu cực khi niềm tự hào đó bị phá vỡ. Và thực tế là không ai có thể là người giỏi nhất ở bất kỳ một lĩnh vực nào cả. Do đó, muốn thành công, chúng ta phải nắm bắt và dự đoán được nhu cầu trong hiện tại và tương lai của những người xung quanh hay tổ chức. Nói “Đừng bán những gì bạn muốn bán, hãy bán thứ người ta cần.” cũng là vì lẽ thế.
Dĩ nhiên, mục đích của bài viết không phải nhằm đề xuất bạn tạm quên đi việc nâng cao kỹ năng tốt nhất của bạn để thay thế bằng việc mở rộng hơn vốn kỹ năng hiện có. Và bạn cũng không thể lựa chọn học thêm kỹ năng mới một cách ngẫu nhiên được. Vậy hành động được đề xuất là gì để thống nhất với tiêu chí của lời khuyên?
Đầu tiên, bạn hãy xác định đâu là những lĩnh vực mạnh nhất của mình. Nếu bạn không nghĩ ra hoặc không chắc, hãy hỏi những người xung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, v.v… Chắc chắn những người cùng sống hay làm việc với bạn trong thời gian dài sẽ biết được ưu điểm của bạn.
Sau đó hãy tự hỏi những câu sau để đưa ra kế hoạch và các bước hành động:
- Điểm mạnh nhất của tôi so với mặt bằng chung ra sao? (so trong gia đình, đội nhóm, phòng ban, tổ chức, v.v…)
- Hiện tại nhu cầu của gia đình/đội nhóm/tổ chức là gì?
- Hướng phát triển của lĩnh vực đó như thế nào?
- Nếu tôi chỉ tập trung phát triển cho lĩnh vực mình giỏi nhất, 5 năm nữa sẽ ra sao?
Những câu trả lời này sẽ cho bạn nền tảng để bạn có thể lựa chọn những lĩnh vực thích hợp nhất cho định hướng phát triển chính của mình. Và những kỹ năng mới này chắc chắn sẽ mang lại cho bạn một lợi thế không nhỏ trong thị trường lao động đầy cạnh tranh ngày nay.
Thực ra thì người ta sẽ bắt đầu yêu thích những công việc mà họ giỏi hoặc được người khác khen ngợi thường xuyên. Bạn có từng làm việc gì mà ban đầu không thực sự thích nhưng từ từ quen và dần gắn bó với nó không?
Đó là lời khuyên thứ 2 cho mục tiêu “sống hạnh phúc, làm hiệu quả” trong năm 2017 này. Năm mới, ta làm mới mình bằng những kiến thức, kỹ năng vừa mới vừa thực sự có ích cho sự phát triển về lâu dài của bản thân, một kế hoạch đầy lý thú phải không? Hãy chia sẻ những mục tiêu học tập, phát triển bản thân của bạn cho năm mới này với chúng tôi và đón đọc phần thứ ba, cũng là phần cuối trong loạt bài này nhé.
...