Đa số các chuyên gia nhận định rằng IoT (Internet of Things) và IIoT (Industrial Internet of Things – IoT công nghiệp) sẽ là những động lực chính cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, qua đó thay đổi hoàn toàn các hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng, và dịch vụ.
IoT công nghiệp (Industrial Internet of Things)
Một báo cáo của hãng tư vấn IHS dự đoán cho đến năm 2025 sẽ có 70 tỷ thiết bị có khả năng kết nối vào internet. Khi đọc về chủ đề IoT (internet vạn vật), đa số chúng ta sẽ nghĩ đến những sản phẩm tiêu dùng như thiết bị di động, thiết bị gia dụng hay xe ô tô. Nhưng trên thực tế, các thiết bị, máy móc công nghiệp sẽ chiếm đa số trong không gian kết nối của IoT.
Đầu tư vào IoT công nghiệp (IoT) do đó được cho là sẽ đạt mức 470 tỷ USD vào năm 2020, theo hãng tư vấn Bain. Và hiển nhiên là mọi tập đoàn công nghiệp và công nghệ lớn đều muốn chiếm miếng bánh lớn nhất của thị trường béo bở này. Trong số đó, 2 đối thủ nổi bật nhất là GE (General Electric) và Siemens.
Đây không chỉ là cuộc chiến của 2 trong số những tập đoàn công nghiệp lớn nhất thế giới. Nó còn tượng trưng cho sự đối đầu giữa 2 bờ Đại Tây Dương: sự thống trị của người Mỹ trong công nghệ thông tin vs. danh tiếng của kỹ thuật Đức.
Sự cạnh tranh này được thể hiện ngay cả trong cách gọi tên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong lúc các công ty Mỹ thường dùng thuật ngữ IIoT thì các công ty Đức lại thiên về thuật ngữ Industrie 4.0, được chính phủ Đức đặt ra.
Đọc thêm: Ngành sản xuất & Cách mạng công nghiệp 4.0
Cả 2 công ty đều được hành lập bởi những nhà sáng chế vĩ đại là Thomas Edison (GE) và Werner von Siemens (Siemens). Và trong suốt lịch sử tồn tại của mình, cả hai công ty đã tạo dựng tên tuổi của mình bằng việc sản xuất những thiết bị công nghệ cao như động cơ phản lực, đầu máy xe lửa hay hệ thống tự động công nghiệp.
Trong những năm gần đây, GE và Siemens ngày càng trở nên giống nhau hơn. Khác với những đối thủ từ Nhật, cả 2 ông lớn này đều đã rời bỏ phần lớn mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng, và chỉ tập trung vào các giải pháp công nghiệp. Theo JP Morgan thì ngày nay, 70% mảng kinh doanh của 2 hãng này là giống nhau.
Và giờ đây hai người khổng lồ này đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới – giành thế thượng phong trong kỷ nguyên số hoá của ngành sản xuất.
Thế giới số của hoạt động sản xuất
Các cảm biến đang ngày càng nhỏ hơn và có giá thành thấp hơn, cùng lúc đó, các phần mềm phân tích dữ liệu cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Ví dụ, một động cơ phản lực ngày nay có thể có đến hàng trăm cảm biến khác nhau và liên tục truyền dữ liệu. Lượng dữ liệu khổng lồ này có thể được phân tích và áp dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau.
Đọc thêm: Nền tảng thành công của triển khai Business Intelligence tại doanh nghiệp
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới ảo – dữ liệu – cũng quan trọng không kém thế giới thật – máy móc, thiết bị. Và IoT là nơi mà 2 thế giới này gặp nhau. Vì vậy, nếu các tập đoàn công nghiệp lâu đời như GE và Siemens không kịp thích nghi thì các tập đoàn công nghệ có tuổi đời trẻ hơn như Google và Microsoft sẽ giành ưu thế trong thế giới ảo của ngành sản xuất.