Điện toán đám mây (cloud computing) là một trong những xu hướng công nghệ mới nổi bật nhất của phần mềm ERP. Tuy vậy, vì có quá nhiều thông tin mới về ERP đám mây (cloud ERP) mà đôi lúc các doanh nghiệp khó có thể phân biệt đâu mới là sự thật. Sau đây là những ngộ nhận phổ biến nhất về ERP đám mây (ERP nền web).
ERP đám mây có độ bảo mật kém?
Nhiều quản lý cảm thấy bất an khi dữ liệu doanh nghiệp của mình được lưu trữ trên đám mây. Nhưng trên thực tế, ERP đám mây có mức độ bảo mật không hề thua kém, hay thậm chí còn cao hơn các hệ thống ERP cài đặt tại chỗ (on-premises ERP). Tính đến hiện nay, chưa từng có lỗ hổng bảo mật nào được phát hiện tại các nhà cung cấp ERP lớn.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì khi doanh nghiệp triển khai ERP đám mây thì những nhà cung cấp dịch vụ ERP sẽ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động bảo mật. Và các công ty này luôn duy trì một đội ngũ chuyên gia an ninh mạng đông đảo và hoạt động toàn thời gian.
Trong khi đó, nếu một doanh nghiệp chọn giải pháp triển khai ERP tại chỗ thì trách nhiệm chính trong công tác bảo mật thông tin sẽ thuộc về bộ phận CNTT của doanh nghiệp đó, và năng lực bảo mật của bộ phận này khó có thể sánh với đội ngũ an ninh mạng của các nhà cung cấp ERP lớn
Những nhà cung cấp ERP đám mây uy tín cũng thường xuyên được kiểm định độc lập và cấp chứng chỉ nhằm đảm bảo rằng họ luôn tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt của ngành CNTT toàn cầu, bao gồm các tiêu chuẩn về bảo mật.
Một yếu tố khác khi nói đến tính bảo mật của điện toán đám mây là khả năng phục hồi và dự phòng (recovery and redundancy). Khi dữ liệu của bạn được đưa lên đám mây, nó cũng sẽ được sao lưu (back up) thường xuyên và được lưu trữ tại nhiều nơi. Đa số các hệ thống ERP cài đặt tại chỗ không có được mức độ dự phòng như vậy.
Đọc thêm: Làm thế nào để bảo vệ dữ liệu của bạn khi nhân viên thôi việcERP đám mây luôn rẻ hơn?
Chi phí thấp thường được xem là một ưu thế chính của ERP đám mây. Mặc dù đúng là các giải pháp ERP đám mây thường ít tốn kém hơn trong ngắn hạn thì trong dài hạn vẫn có thời điểm mà chi phí của nó sẽ tương đương với ERP cài đặt tại chỗ.
Mô hình SaaS (Software-as-a-Service) của các giải pháp ERP đám mây cho phép doanh nghiệp tránh được các khoản đầu tư ban đầu lớn về hệ thống phần cứng và bản quyền phần mềm (licence). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cắt giảm được chi phí dùng để duy trì một nhóm CNTT chuyên biệt dùng để vận hành và bảo trì các hệ thống mạng và phần cứng. Thời gian triển khai nhanh hơn cũng giúp giảm đáng kể tổng chi phí triển khai và ứng dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đọc thêm: [Infographic] - Top 3 xu hướng công nghệ của phần mềm ERP thế hệ mới
Mặt khác, doanh nghiệp của bạn sẽ phải liên tục trả phí thuê bao hàng tháng nếu muốn sử dụng phần mềm, và sau một thời gian thì tổng mức phí này có thể cao hơn cả chi phí đầu tư ban đầu cộng với phí bảo trì của các hệ thống cài đặt tại chỗ. Với các hệ thống ERP đám mây, bạn cũng không có lựa chọn không trả phí bảo trì do chi phí này đã được tính vào mức phí thuê bao hàng tháng.
Ngược lại, với các giải pháp ERP cài đặt tại chỗ, doanh nghiệp của bạn sẽ trả phí bản quyền một lần để được quyền sử dụng vĩnh viễn phần mềm ERP. Ngoài ra còn có phí bảo trì thường niên, nhưng nếu không trả phí này thì doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục sử dụng phần mềm.
Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn là một tập đoàn lớn và đã đầu tư đáng kể vào hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT thì ERP đám mây chưa hẳn là một giải pháp tối ưu.
ERP đám mây là lựa chọn tất yếu
Mặc dù ERP đám mây được nhắc đến rất thường xuyên thì ERP cài đặt tại chỗ vẫn có chỗ đứng trong tương lai gần. Trên thực tế, đa số các dự án ERP hiện nay vẫn là cho các hệ thống ERP cài đặt tại chỗ. Theo khảo sát thường niên của công ty tư vấn Panorama Consulting thực hiện với 215 doanh nghiệp tại Mỹ thì 56% số dự án trong năm 2016 là cho các hệ thống ERP cài đặt tại chỗ.
Tuy vậy, thị phần của ERP đám mây đang mở rộng rất nhanh. Ví dụ, 29% số dự án triển khai phần mềm SAP ERP trong năm 2015 là ERP đám mây, so với chỉ 18% vào năm 2013.
Đọc thêm: [Infographic] - So sánh 4 nhà cung cấp phần mềm ERP lớn nhất thế giới
Các hệ thống ERP cài đặt tại chỗ vẫn có những lợi thế đặc thù. Chúng đem đến khả năng tùy biến (customization) cao hơn và có thể hoạt động mà không cần kết nối internet. Doanh nghiệp có quyền kiểm soát cao hơn đối với các hoạt động triển khai và bảo trì. SaaS ERP thường được cung cấp dựa trên mô hình đa người dùng (multi-tenant) và vì vậy khách hàng khó có được mức độ tùy biến chi tiết như với ERP cài đặt tại chỗ.
Lựa chọn phương thức triển khai chỉ là một trong số nhiều quyết định hệ trọng đối với một dự án ERP. Đăng ký theo dõi blog của chúng tôi để được liên tục cập nhật tin tức và kiến thức mới nhất về lựa chọn và triển khai phần mềm ERP.
Video: Đo lường chỉ số hoàn vốn cho dự án ERP