Đối với những ứng dụng quản lý doanh nghiệp, “đám mây” không chỉ được nhắc đến thường xuyên mà đã dần trở thành một khuynh hướng nổi bật trên thực tế. Phần mềm ERP dựa trên công nghệ điện toán đám mây (cloud ERP), được cung cấp dưới dạng SaaS (Software-as-a-Service), đem đến những lợi thế đáng kể so với các giải pháp cũ, vốn được cài đặt ngay trong server và máy tính của công ty (on-premises).
Đầu tư ban đầu thấp & dễ kiểm soát tổng chi phí sở hữu
Chi phí đầu tư ban đầu dành cho một hệ thống ERP trên nền tảng đám mây thường thấp hơn nhiều so với các hệ thống cài đặt tại chỗ (on-premises). Đối với các hệ thống on-premises, nhà cung cấp ERP thường tính khách hàng một khoản lệ phí đắt đỏ, cộng với phí hàng năm cho việc bảo trì và cập nhật định kỳ. Đó là chưa kể đến khoản đầu tư vào phần cứng và phương tiện cần thiết để chạy các hệ thống. Quan trọng hơn nữa là bạn liên tục phải chi một khoảng thời gian và ngân sách đáng kể để duy trì một đội ngũ IT nhằm đảm bảo hệ thống ERP vận hành một cách hiệu quả.
Ngược lại, giải pháp ERP đám mây yêu cầu mức đầu tư thấp hơn vì bạn không phải xây dựng và duy trì những dịch vụ cơ sở hạ tầng được cung cấp bởi nhà cung cấp ERP. Thêm vào đó, nguồn lực IT của bạn có thể được dùng vào việc tìm ra các giải pháp sáng tạo hơn là duy trì và quản lý hệ thống. Nghiên cứu của hãng Forrester và Gartner cho thấy trong ngân sách IT của 1 công ty điển hình thì có đến 50% đến 90% dành cho bảo trì hơn là sáng tạo.
Đọc thêm: Đo lường chỉ số hoàn vốn (ROI) cho dự án ERP: Dễ hay Khó?
Tổng chi phí sở hữu (Total Cost of Ownership -TCO) của ERP đám mây dựa trên mô hình phí thuê bao hàng tháng hoặc hàng năm rõ ràng và dễ dự đoán hơn so với các mô hình tính phí bản quyền và bảo trì phức tạp của các hệ thống cài đặt tại chỗ. Mô hìnhnày dễ hiểu và dễ quản lý hơn, đảm bảo dòng tiền ổn định, và tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch và ngân sách.
Triển khai nhanh và linh hoạt hơn về quy mô
Thay vì phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để mua sắm và lắp đặt cơ sở hạ tầng cần thiết, bạn chỉ cần cấu hình các phần mềm theo yêu cầu của mình và truy cập thông qua trình duyệt web. Trong thực tế, giải pháp ERP dựa trên đám mây có thể giảm thời gian triển khai chỉ còn 25% so với thời gian cần thiết để triển khai một hệ thống ERP cài đặt tại chỗ.
Đọc thêm: 3 yếu tố quyết định thời gian triển khai ERP
Do cơ sở hạ tầng IT được xử lý bởi các nhà cung cấp nên bạn sẽ tự do hơn để mở rộng quy mô kinh doanh. Sẽ không cần thêm khoản đầu tư vào phần cứng cồng kềnh khi bạn muốn cho phép thêm nhiều nhân viên cùng truy cập vào hệ thống. Và bởi vì hệ thống được chạy thông qua kết nối Internet, nó có thể được mở rộng đến nhiều địa điểm dễ dàng hơn nhiều so với hệ thống tại chỗ.
Tận dụng những công nghệ tiên tiến nhất
Bởi vì hệ thống ERP cài đặt tại chỗ mất rất nhiều thời gian để triển khai, và không hề dễ dàng để mở rộng quy mô, các công ty thường ngại nâng cấp hệ thống của họ. Trong thực tế, theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Forrester, "khoảng một nửa số khách hàng ERP vẫn đang sử dụng phiên bản cũ hơn phiên bản mới nhất hiện tại đến hai lần nâng cấp, có thể là bốn năm hoặc nhiều hơn." Hệ thống cũ kỹ như vậy khó lòng đem đến bất kỳ giá trị bền vững và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn, thậm chí có khả năng tiêu hao nguồn lực cần thiết.
Đọc thêm: 15 giải pháp ERP hàng đầu thế giới trong năm 2016
Mặt khác, các hệ thống ERP điện toán đám mây chạy trên Internet linh hoạt hơn nhiều và được liên tục nâng cấp bởi các nhà cung cấp. Nâng cấp sản phẩm hoặc cải tiến được triển khai dễ dàng vào hệ thống của bạn. Do đó, bạn luôn được hưởng lợi từ các công nghệ mới nhất.
Mặc dù vẫn còn một số lo ngại về xu hướng triển khai trên đám mây, như an ninh và khả năng tương thích với các hệ thống cũ, ERP đám mây vẫn là một xu hướng nổi bật hiện nay.
Bạn có thể tải miễn phí e-book sau để tìm hiểu thêm về những xu hướng công nghệ ERP mới nhất hiện nay.