Trong quá khứ, những nhà cung cấp phần mềm ERP lớn thường cung cấp các giải pháp tổng thể có thể triển khai chung cho nhiều ngành kinh doanh khác nhau và xem đó là thế mạnh của mình. Chỉ những nhà cung cấp nhỏ hơn mới tập trung vào các phần mềm ERP chuyên biệt cho một số ngành mà các công ty này có ưu thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của điện toán đám mây, hầu như mọi nhà cung cấp ERP lớn đều đang tích cực đi theo hướng chuyên biệt hóa cho từng ngành kinh doanh. Những giải pháp đặc thù được cung cấp cho các ngành khác nhau - công nghiệp ô tô, hàng không - quốc phòng, y dược, thiết bị công nghiệp, phân phối, dệt may, hóa chất, dịch vụ tài chính, bán lẻ, v.v... ERP chuyên biệt giúp giảm tối đa các yêu cầu tùy biến, và qua đó cắt giảm chi phí và thời gian triển khai.
Infor CloudSuite—sản phẩm Cloud ERP chủ đạo của Infor—được thiết kế để hỗ trợ chiến lược ERP chuyên biệt cho từng ngành kinh doanh
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là tùy biến (customisation) không còn cần thiết nữa. Trên thực tế, gần 90% số dự án ERP cần tùy biến ở những mức độ khác nhau. Các phần mềm ERP thế hệ mới ngày càng hiện đại và phức tạp hơn, và khả năng một hệ thống có thể đáp ứng hoàn toàn chính xác mọi nhu cầu của một doanh nghiệp và rất nhỏ. Do đó, nếu một hệ thống ERP có khả năng tùy biến cao thì đó vẫn là một ưu thế lớn.
Bên cạnh đó, mỗi nhà cung cấp và phần mềm lại có ưu thế riêng ở những lĩnh vực cụ thể. Vì vậy những câu hỏi về việc bạn đang hoạt động trong ngành nào, mô hình kinh doanh của bạn là gì, quy mô doanh nghiệp của bạn v.v… đều rất quan trọng khi xác định phần mềm ERP nào phù hợp nhất cho nhu cầu của bạn.
Đọc thêm: [Infographic] - So sánh 4 nhà cung cấp phần mềm ERP lớn nhất thế giới
Phần mềm ERP cho chuyên ngành hẹp
Một số nhà cung cấp, ví dụ như Infor, còn đi xa hơn khi tập trung vào các phân ngành hẹp bên trong một ngành kinh doanh. Ví dụ, một công ty bia và một công ty chế biến thịt cần có những giải pháp ERP khác nhau cho dù cả 2 cùng thuộc ngành Thực phẩm & Đồ uống.
Ngay cả trong cùng một ngành công nghiệp thì các yêu cầu cụ thể giữa từng doanh nghiệp khác nhau có thể rất khác nhau.
Một ví dụ là Tập đoàn Fiat Group có chính sách CNTT tập trung hóa, trong đó yêu cầu mọi công ty con sử dụng SAP ERP. Tuy nhiên khi Ferrai, khi đó vẫn thuộc sở hữu của Fiat, triển khai ERP họ đã chọn Infor LN.
Đọc thêm: Vì sao Ferrari bỏ qua SAP để chọn Infor khi triển khai ERP
Đó là do mô hình kinh doanh của Ferrari rất khác với những thương hiệu xe phổ thông khác cùng tập đoàn, như Fiat, Jeep hay Chrysler. Mỗi chiếc siêu xe thể thao Ferrari là một sản phẩm độc nhất, được làm theo yêu cầu và sở thích riêng của từng chủ nhân. Vì vậy, Ferrari cần một hệ thống linh hoạt hơn nhiều so với những nhà sản xuất ô tô phổ thông khác.