Hãy tưởng tượng ra một người không bao giờ để sự nóng giận vượt ngoài tầm kiểm soát dù cho họ đang phải đối mặt với vấn đề gì. Hoặc một người chiếm trọn niềm tin của nhân viên, lắng nghe họ, luôn đưa ra các quyết định đúng đắn và cẩn thận. Đây là những phẩm chất mà một người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao nên có.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét vì sao trí tuệ cảm xúc lại quan trọng với những lãnh đạo và làm thế nào để bạn – một nhà lãnh đạo, có thể phát triển trí tuệ cảm xúc của mình.
5 yếu tố chính của trí tuệ cảm xúc
Chỉ số cảm xúc (emotional quotient – EQ) hay trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence – EI) là khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn và mọi người xung quanh bạn. Nhiều người lầm tưởng rằng trí tuệ cảm xúc là cách sống lạc quan và tự tin, nhưng thực tế thì trí tuệ cảm xúc đòi hỏi tính tự chủ nhiều hơn.
Một số nhà lãnh đạo vốn sinh ra với chỉ số cảm xúc cao, tuy nhiên, cũng tương tự như kĩ năng lãnh đạo, trí tuệ cảm xúc có thể đào tạo và phát triển được.
Sau đây là 5 yếu tố chính để phát triển trí tuệ cảm xúc mà bạn nên biết:
- Tự nhận thức: bạn nhận thức được những cảm xúc của chính mình và hiểu rằng để những cảm xúc tiêu cực bộc phát có thể ảnh hưởng đến nhân viên như thế nào. Nhận thức về bản thân là cốt lõi để sở hữu chỉ số cảm xúc cao, và những người đã đạt đến mức độ này sẽ thể hiện sự tự tin, thoải mái với bản thân cũng như có khả năng đọc phản ứng của người khác.
- Tự chủ: thay vì tấn công người khác bằng lời nói, hãy dành một khoảng thời gian để cân nhắc và suy nghĩ trước khi đáp lại người khác. Một nhà lãnh đạo tự chủ là người có thể thích ứng với sự thay đổi, giữ bình tĩnh và quan trọng nhất là họ có thể thừa nhận những sai lầm của mình thay vì đổ lỗi cho người khác.
- Giàu động lực: điều này bao gồm tự động viên bản thân và động viên cả những người xung quanh. Những nhà lãnh đạo tự lực có tầm nhìn rõ ràng, đặt ra tiêu chuẩn cao về những gì họ muốn đạt được và họ luôn cố gắng để hoàn thành chúng.
- Thấu cảm: khả năng thấu hiểu và quan tâm đến cảm xúc của người khác, điều mà bạn chỉ có thể đạt được sau khi bạn biết tự nhận thức cảm xúc của bản thân. Sự cảm thông đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý một đội ngũ thành công đồng thời giúp bạn chủ động hơn trong việc dự đoán phản ứng của nhân viên.
- Kĩ năng xã hội: những người lãnh đạo có kĩ năng xã hội trong trí tuệ cảm xúc sẽ sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng mới, luôn luôn lắng nghe người khác và đáp lại một cách phù hợp. Họ cũng giỏi giải quyết mâu thuẫn và sẽ cảm thấy không hài lòng nếu mọi chuyện không được giải quyết ổn thỏa.
Lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc
Sở hữu một nhà lãnh đạo có cả năm yếu tố chính của trí tuệ cảm xúc được trình bày bên trên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của bạn. Đã có không ít nghiên cứu nhằm chứng minh tác động mạnh mẽ của một nhà lãnh đạo sở hữu chỉ số cảm xúc cao lên hiệu suất của một tổ chức.
Ví dụ như Sanofi-Aventis – công ty dược phẩm lớn thứ tư trên thế giới, đã đầu tư vào mặt trí tuệ cảm xúc của đội ngũ nhân viên bán hàng, và kết quả là hiệu suất cả năm tăng 12 phần trăm.
Đọc thêm: 7 cảm xúc cơ bản cần biết để phát triển EQ
Một nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao giúp thúc đẩy hiệu suất tổng thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất là khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Về bản chất, người lãnh đạo tạo ra một môi trường làm việc hài hòa và qua đó tạo động lực và kích thích năng suất làm việc của nhân viên.
Các cá nhân sẽ sẵn lòng cống hiến hơn nữa nếu họ được yêu cầu bởi một người biết cảm thông, một người mà họ tin tưởng và tôn trọng. Những nỗ lực ấy có thể được nhân lên hơn nữa nếu tổ chức của bạn có được một đội ngũ các nhà lãnh đạo với trí tuệ cảm xúc cao.
Và sự thật là bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc cho kiểu người lãnh đạo như trên hơn là những người đứng đầu với chỉ số cảm xúc thấp, quản lý một cách chi li, một người mà về cơ bản chỉ khiến cho bạn và đồng nghiệp kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần.
Đọc thêm: So sánh kỹ năng của lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp trên thế giới
Nói chung, cho dù việc sở hữu trí tuệ cảm xúc cao sẽ mang lại lợi ích cho công ty, nhưng trí thông minh và những kĩ năng chuyên môn vẫn rất quan trọng. Một nhà lãnh đạo chuyên về kinh doanh sẽ dự đoán các khía cạnh kinh doanh hiệu quả hơn, trong khi đó, một người có yếu tố trí tuệ cảm xúc sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến nhân sự tốt hơn.
Trí tuệ cảm xúc cũng như trí thông minh đều quan trọng như nhau trong việc khiến cho mọi người đồng lòng với kế hoạch kinh doanh của bạn, tạo động lực để nhân viên làm việc hòa hợp cùng hướng đến mục tiêu chung. Bạn có thể là một nhà lãnh đạo quan trọng trong công ty, nhưng bạn sẽ không là một nhà lãnh đạo giỏi nhận được sự tôn trọng từ mọi người nếu thiếu đi trí tuệ cảm xúc.
Để duy trì sự cạnh tranh trong thời đại ngày nay, các công ty cần phải đầu tư hơn để phát triển và cải thiện khả năng lãnh đạo và quản lý.