Trong hai bài trước của loạt bài “3 lời khuyên từ nhà tâm lý học cho một năm mới hiệu quả và hạnh phúc”, chúng ta đã cùng bàn luận về những cách để cải thiện hiệu suất làm việc và phát triển bản thân. Cả hai đều thiên về khía cạnh “hiệu quả”. Vậy còn “hạnh phúc” thì sao? Các nhà tâm lý học có lời khuyên gì để cuộc sống riêng của mỗi người trở nên vui vẻ và đáng sống hơn?
LỜI KHUYÊN 3: ĐỪNG HI SINH HẠNH PHÚC HAY MỐI QUAN HỆ CHỈ VÌ MUỐN CHỨNG TỎ MÌNH ĐÚNG. HÃY CỞI MỞ, LẮNG NGHE VÀ BIẾT ĐIỀU GÌ LÀ QUAN TRỌNG NHẤT VỚI BẢN THÂN.
Nhiều người tin rằng đúng sai rõ ràng là điều cơ bản trong mọi mối quan hệ. Do đó, nếu nghĩ mình đúng thì cứ bộc trực mà khẳng định điều đó. Nếu nghĩ mình sai thì hãy thẳng thắn nhận lỗi và sửa chữa.
Nhưng hãy tự hỏi mình, “Tôi có muốn làm việc với một người luôn luôn muốn mình là người thắng trong mọi cuộc tranh luận không?”. Và bạn cảm thấy thế nào khi một cuộc tranh luận trao đổi quan điểm cuối cùng lại trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa vì không ai chịu ai?
Ai cũng muốn những gì mình nghĩ, mình làm đều đúng đắn. Nhưng nếu không xác định được điểm dừng mà vẫn cứ khăng khăng chứng tỏ mình đúng, hành động này của bạn sẽ góp phần gây rạn nứt hoặc khiến mối quan hệ trở nên không thể cứu vãn.
Nghiên cứu khoa học đã cho thấy mức độ hạnh phúc của một người tỉ lệ nghịch với xu hướng tranh luận đến cùng của người đó. Hạnh phúc của con người phụ thuộc phần lớn vào các mối quan hệ xung quanh. Mối quan hệ càng tốt đẹp và gắn bó, người đó càng hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hơn. Khi người ta quá tính toán hoặc quá rõ ràng trong mọi chuyện, mối quan hệ sẽ không thể phát triển thêm được nữa và chỉ dừng ở mức xã giao mà thôi. Và thực sự thì khó mà có điều gì hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Do đó, tôn trọng ý kiến của người khác và cố gắng hiểu quan điểm đó từ góc nhìn của họ sẽ giúp bạn bồi đắp các mối quan hệ thành công hơn.
Vậy thì trong những tình huống mà việc ai đúng ai sai không quá quan trọng (ví dụ như trưa nay đi ăn ở chỗ nào hay xem kênh truyền hình nào vào tối nay), hãy chấp nhận nhường cho đối phương. Nhưng đừng luôn luôn thỏa hiệp và khiến đối phương nghĩ rằng họ có quyền được ưu tiên mọi lúc mọi nơi. Bạn nên có những quy tắc nhất định và làm rõ những quy tắc đó trong mọi mối quan hệ.
Trong những tình huống công việc, hãy tập trung vào việc giải quyết vấn đề, đừng cố gắng tìm lý lẽ chứng minh ai đúng ai sai nếu điều đó không giúp ích cho việc tìm ra giải pháp. Nếu quá căng thẳng, hãy xin ý kiến từ một người thứ ba. Lưu ý rằng người này phải là người được cả hai bên chấp nhận và nể trọng.
Thực ra thì tranh luận lành mạnh sẽ giúp phát triển tư duy, nhưng tranh luận gay gắt sẽ làm giảm tư duy vì nó hạn chế những cách suy nghĩ mới mẻ, cởi mở và dung hòa được cả hai quan điểm.
KẾT LUẬN
“Gieo suy nghĩ, gặt hành động;
Gieo hành động, gặt thói quen;
Gieo thói quen, gặt tính cách;
Gieo tính cách, gặt số phận.”
-Samuel Smiles-
Như châm ngôn của Samuel Smiles, thay đổi cần có sự chủ động và tính kiên trì. Tuy nhiên, nếu bạn định hướng thay đổi sai từ ban đầu, tất cả công sức và thời gian đầu tư có thể đổ sông đổ biển. Hãy chia sẻ những lời khuyên này với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để cùng nghiền ngẫm và áp dụng sao cho phù hợp và hiệu quả nhất với bản thân mình nhé.
Chúc bạn một năm mới thành công và đầy ý nghĩa!