Trong bài trước, chúng ta đã cùng nhau chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản nhất giữa vai trò quản lý và lãnh đạo. Theo đó, quản lý sẽ chú trọng hơn vào việc vận hành và kiểm soát công tác vận hành. Thông thường, quản lý là người mang nhiều trọng trách trên vai hơn những người khác trong doanh nghiệp, nhưng cũng vì thế mà đôi lúc việc phát triển năng lực và kỹ năng của họ bị lãng quên. Qua thời gian, những quy trình làm việc dần trở nên quen thuộc khiến người quản lý không nhận ra rằng nó đã bắt đầu trở nên lỗi thời. Vậy làm cách nào để ta luôn có những nhà quản lý hiệu quả?
Câu trả lời là xác định và đưa ra giải pháp sớm khi phát hiện dấu hiệu xuống dốc trong hiệu quả của nhà quản lý. Sau đây là 3 yếu tố gây sụt giảm hiệu quả trong quản lý.
YẾU TỐ THỨ NHẤT: KHÔNG CHẤP NHẬN THAY ĐỔI
Ngày nay, thay đổi đã trở thành một phần không thể thiếu tại nơi làm việc. Thay đổi có thể đến từ những phương pháp làm việc mới, những tiến bộ công nghệ mới được áp dụng vào công tác vận hành hoặc những điều chỉnh trong chính sách và môi trường ngành nghề. Do đó, việc quản lý không có được tư duy cởi mở và chấp nhận thay đổi tích cực là một điều đáng lo ngại với tổ chức.
Khi quản lý của bạn có tư tưởng bảo thủ và chống đổi mới, họ thường sẽ:
- Thể hiện sự bực bội với mọi đề nghị thay đổi
- Luôn hồi tưởng và tiếc nuối “những gì đã qua” thay vì tập trung vào “những gì sẽ đến”
- Tiếp tục làm mọi việc theo cách cũ nhưng kỳ vọng có được những kết quả mới
- Không thoải mái với những vấn đề mơ hồ và không sẵn sàng khám phá cách làm mới
- Các thành viên trong nhóm phàn nàn về sự không thống nhất trong thông điệp của người quản lý và cấp lãnh đạo
YẾU TỐ THỨ HAI: KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG MANG LẠI KẾT QUẢ NHƯ KỲ VỌNG
Kết quả công việc chính là thước đo rõ ràng và chính xác nhất hiệu quả của một nhà quản lý. Vì vậy, khi không thể đạt được kết quả công việc như doanh nghiệp mong muốn, người quản lý đang trên đà thất bại.
Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng này:
- Kết quả công việc thường xuyên không đạt tiêu chuẩn đề ra
- Đổ lỗi cho người khác hoặc luôn tìm lý do để biện hộ cho thất bại của mình
- Tránh né những cuộc thảo luận về việc thiết lập mục tiêu và kiểm tra tiến độ thực hiện mục tiêu
- Dành nhiều thời gian, năng lượng, nguồn lực và tài nguyên cho những hoạt động có ưu tiên thấp
- Nhân viên không rõ mình đang đóng góp như thế nào cho mục tiêu của người quản lý hoặc của công ty
YẾU TỐ THỨ BA: KHÔNG CÓ TẦM NHÌN XA
Đừng cho rằng chỉ có lãnh đạo mới cần có tầm nhìn! Quản lý là người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với nhân viên, nếu không thể hiện được tầm nhìn, họ sẽ không thể thu hút nhân tài và thuyết phục các cấp dưới cùng nỗ lực phấn đấu đạt được tầm nhìn đó. Thiếu đi tầm nhìn, nhà quản lý không dự trù được những xu hướng và tình huống khả thi trong tương lai, từ đó dễ mắc sai lầm khi mọi chuyện không theo đúng kế hoạch.
Khi một quản lý thiếu tầm nhìn, họ thường sẽ:
- Không sẵn lòng giao tiếp hoặc hợp tác với những đơn vị khác
- Đưa ra những quyết định có lợi cho đơn vị hoặc nhóm của mình nhưng chưa chắc sẽ có lợi cho toàn doanh nghiệp
- Phản đối những thay đổi có tác động lớn đến bản thân nhưng có thể có lợi cho doanh nghiệp
- Giữ kín những thông tin có lợi cho những đơn vị khác
- Nhiều đồng nghiệp phàn nàn rằng người quản lý không cập nhật các nhiệm vụ và sứ mệnh của doanh nghiệp
Trên thực tế, ba kiểu quản lý như trên khá phổ biến. Và những dấu hiệu nguy hiểm kể trên không chỉ có ở những quản lý mới mà còn ở nhiều quản lý đã có nhiều năm kinh nghiệm. Đừng để họ thất bại vì những sai lầm này! Hãy vạch ra mục tiêu phát triển và thúc đẩy họ liên tục phấn đấu, không chỉ vì thành công của chính mình mà còn vì toàn doanh nghiệp.
Đón đọc kỳ sau, những bí quyết giúp bạn trở thành nhà quản lý hiệu quả!