Gắn kết với tổ chức nghĩa là nhân viên của bạn phải tôn trọng những giá trị và sứ mệnh của tổ chức. Họ sẽ nỗ lực tạo ra sự tương quan và bổ trợ giữa mục tiêu của cá nhân và tổ chức. Họ cũng hứng thú với những yếu tố nhất định trong tổ chức như khen thưởng, quyền lợi về mặt tài chính, phát triển hoặc thăng tiến. Đây cũng là yếu tố góp phần giúp bạn đạt được mục tiêu “tuyển dụng phù hợp” – tuyển những người phù hợp với văn hóa và giá trị của doanh nghiệp. Nhưng với vai trò là cấp độ gắn kết cao nhất và bao quát nhất, việc xây dựng sự gắn kết ở khía cạnh tổ chức cần đến sự tham gia tích cực từ các nhà điều hành. Hãy lưu ý đến những câu hỏi sau trong quá trình phát triển gắn kết này:
- VĂN HÓA CỦA CÔNG TY BẠN CÓ HỖ TRỢ SỰ GẮN KẾT KHÔNG?
Văn hóa của công ty được thể hiện trong chính những mục tiêu, sứ mệnh, quy chuẩn hay hành vi trong tổ chức. Và nếu những yếu tố nền tảng này không ủng hộ việc xây dựng sự gắn kết (ví dụ như: đề cao sự độc lập, làm việc một mình…), bạn cần phải đánh giá và đôi khi là điều chỉnh lại những hành vi hay quy luật bất thành văn trong tổ chức để phản ánh được mục tiêu của mình là cải thiện mức độ gắn kết.
- BẠN CÓ TRUYỀN ĐẠT RÕ VĂN HÓA CỦA CÔNG TY ĐẾN NHÂN VIÊN KHÔNG?
Văn hóa của tổ chức được xây dựng từ những giá trị cốt lõi, đạo đức và quy chuẩn. Nhưng các nhân viên, đặc biệt là ở cấp độ thấp, sẽ không hiểu giá trị “minh bạch” có nghĩa là gì nếu bạn không đưa ra ví dụ về những hành vi thể hiện sự minh bạch trong tổ chức. Tương tự, bạn cũng cần truyền đạt rõ ràng những mục tiêu của doanh nghiệp cùng với kế hoạch thực hiện cho cả quản lý lẫn nhân viên để tránh cảm giác mơ hồ và mất định hướng.
- NHÂN VIÊN CỦA BẠN CÓ ĐANG CẢM THẤY HẠNH PHÚC KHÔNG?
Hạnh phúc cho nhân viên không chỉ đơn thuần là quản lý thời gian làm việc hợp lý mà còn phải cải thiện được chất lượng cuộc sống, “làm mới” người nhân viên và tạo động lực cho họ duy trì hiệu quả làm việc. Cân bằng công việc – cuộc sống không còn là quan tâm hàng đầu mà thay vào đó hạnh phúc (well-being) với 5 khía cạnh: Niềm vui trong công việc, Hạnh phúc về mặt xã hội, Hài lòng về tài chính, Bền vững về thể chất và Yên vui trong đời sống cộng đồng mới là điều tổ chức đang hướng đến mang lại cho nhân viên của mình.
- BẠN LÀM GÌ ĐỂ KỊP THỜI PHÁT HIỆN VÀ DẬP TẮT NHỮNG “ĐÁM CHÁY” ĐANG ÂM Ỉ?
Đối với các nhà điều hành, eNPS (Employee’s Net Promoter Score, công cụ đo lường mức độ hàng lòng của nhân viên với công việc và tổ chức) là một nguồn thông tin hữu hiệu để phát hiện và kịp thời xử lý các vấn đề nhân viên đang gặp phải. Các mức điểm do nhân viên đưa ra cũng được chia thành nhóm Promoter (9-10), Passive (7-8) và Detractor (dưới 6), giúp tổ chức dễ dàng đặt ưu tiên giải quyết từng trường hợp. eNPS đề cao sự minh bạch trong tổ chức và hỗ trợ xác định những quản lý nào đang thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý của mình và ai cần cải thiện điểm nào.
Gắn kết nhân viên ở khía cạnh tổ chức nghe có vẻ “đao to búa lớn” nhưng thực tế, điểm cốt lõi nằm ở việc bạn có lắng nghe nhân viên của mình và tạo nên sự thống nhất giữa nhân viên và những chiến lược của tổ chức hay không.