Một vài từ đồng nghĩa với động từ “quản lý” trong từ điển là “kiểm soát”, “giám sát” và “quản trị”. Những từ này tạo ra hình ảnh người quản lý là người đứng trên nhân viên và đưa ra mệnh lệnh. Nhưng trên thực tế, vai trò quản lý bao gồm nhiều kỹ năng hơn ta thường nghĩ. Do đó, đừng để mình rơi vào những quan niệm sai lầm sau về vai trò của các nhà quản lý trong doanh nghiệp.
Sai lầm 1: Các quản lý phải tập trung hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.
Trên thực tế, trọng tâm công việc của quản lý là lập các mốc thời gian quan trọng để hoàn thành và rà soát tiến độ. Họ thiên về việc hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch. Các mốc kiểm tra là mối liên kết giữa việc lập kế hoạch chiến lược của nhà điều hành và các nhân viên thực thi kế hoạch này. Vai trò của nhà quản lý là hiểu được kế hoạch đó, chia nhỏ thành nhiều phần và đặt ra các mốc thời gian thực tế để nhân viên vận hành tuân thủ theo.
Sai lầm 2: Các nhà điều hành mới là người theo dõi tiến độ.
Thực ra, đây là công việc của quản lý bởi họ bám sát các hoạt động hàng ngày và có tương tác trực tiếp với các nhân viên. Điều kiện làm việc này cho phép họ can thiệp và điều chỉnh kịp thời khi có nhân viên kém hiệu quả hoặc xảy ra trục trặc. Bên cạnh đó, vai trò cầu nối sẽ giúp nhà quản lý nắm bắt được tình hình rõ ràng để hỗ trợ nhà điều hành đưa ra định hướng vận hành phù hợp.
Sai lầm 3: Các quản lý phải quản các quy trình trước rồi tới con người.
Nếu không có con người sử dụng thì các quy trình cũng chỉ là những sơ đồ trên giấy. Do đó, các quản lý hiệu quả phải dành thời gian để hiểu nhân viên của họ, gầy dựng sự gắn kết để cải thiện hứng thú và động lực với nhân viên. Đồng thời, việc tìm hiểu về ưu nhược điểm của nhân viên sẽ hỗ trợ quản lý giao việc và tạo điều kiện đào tạo, phát triển cho nhân viên một cách phù hợp và hiệu quả.
Sai lầm 4: Các quản lý nhận thông điệp từ cấp trên và truyền đạt lại cho cấp dưới
Như đã nói ở sai lầm 2, các quản lý đóng vai trò cầu nối giữa nhà điều hành và nhân viên. Do đó, họ không chỉ đơn thuần truyền đạt những “chỉ thị” từ cấp trên cho nhân viên mà hơn thế, họ tạo điều kiện cho việc truyền đạt thông tin theo mọi hướng. Họ phải liên tục duy trì dòng chảy thông tin trong công việc và chịu trách nhiệm báo cáo tiến độ vận hành cho các cấp điều hành. Đồng thời, họ cũng cần đảm bảo nhân viên của mình hiểu rõ các phản hồi từ trên để điều chỉnh cho phù hợp.
Quản lý hiệu quả không chỉ là việc đảm bảo vận hành. Nó bao gồm việc xem xét sự phát triển của nhân viên và hỗ trợ việc truyền đạt các thông tin quan trọng trong công ty theo nhiều chiều. Nếu công ty của bạn đang phạm vào 4 sai lầm kể trên, đã đến lúc thay đổi và xây dựng những quản lý “cầu nối” hiệu quả thúc đẩy sự gắn kết và thành công của doanh nghiệp.
Trong những bài viết vừa qua trong loạt bài “Quản lý & Lãnh đạo”, TRG Talent đã chia sẻ những bí quyết giúp bạn cải thiện kỹ năng quản lý của mình trong nhiều tình huống. Chủ đề về kỹ năng quản lý vẫn còn rộng và chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong những loạt bài viết sau này. Còn trong kỳ tới, hãy chuyển trọng tâm của chúng ta vào khía cạnh còn lại trong chủ đề của loạt bài: Lãnh đạo. Tại sao bạn đang ở vị trí lãnh đạo? Đừng vội nghĩ đến những lý do cao siêu như để hoạch định hay lèo lái bởi lý do nền tảng lại rất đơn giản. Hãy tìm hiểu trong bài viết sắp tới của chúng tôi nhé!