Càng ngày các doanh nghiệp càng có nhiều nhu cầu sử dụng giải pháp đánh giá cho những khía cạnh khác nhau trong công tác quản lý nhân sự của các doanh nghiệp. Đi kèm với tình hình này là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà cung cấp giải pháp đánh giá với vô vàn sản phẩm và những dòng quảng bá về tính năng độc đáo cũng như hiệu quả không ngờ cho doanh nghiệp. Giữa một “mê hồn trận” như vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau để không phạm vào những sai lầm nghiêm trọng.
- CHỌN CÔNG CỤ PHÙ HỢP VỚI ĐỐI TƯỢNG.
Bạn đang tìm một công cụ đánh giá để tuyển dụng nhân viên bán hàng hay nhân viên cấp cao? Bạn không thể dùng chung một bài cho những nhóm đối tượng khác nhau được, nhất là nếu tiêu chí tuyển dụng của những nhóm đó khác nhau. Hãy chọn những bài đánh giá được thiết kế riêng hoặc nhắm đến những nhóm ứng viên của bạn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến những yếu tố như rào cản về ngôn ngữ để đảm bảo tính công bằng cho mọi đối tượng tham gia.
- CHỌN CÔNG CỤ CÓ ĐỘ TIN CẬY CAO.
Nếu một cá nhân làm lại bài đánh giá thì kết quả của họ sẽ khác đi bao nhiêu? Đó là một trong những câu hỏi đầu tiên mà bạn cần đặt ra khi lựa chọn công cụ đánh giá. Một công cụ đánh giá có các chỉ số chứng minh độ tin cậy (reliability) cao sẽ cho ra những điểm số nhất quán và hầu như không thay đổi nếu cá nhân đó không trải qua một khoảng thời gian đào tạo và phát triển chuyên sâu.
- CHỌN CÔNG CỤ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC MỤC TIÊU ĐỀ RA.
Tính giá trị (validity) chính là yếu tố quan trọng nhất bởi nó quyết định hiệu quả của công cụ. Khác với độ tin cậy, tính giá trị được quyết định bởi cách bạn sử dụng công cụ. Nếu bạn thể dùng một công cụ đánh giá “tính cách” để dự đoán “khả năng lãnh đạo” của một người, bạn đã tự phá hỏng tính giá trị. Do đó, hãy đảm bảo bạn sử dụng đúng mục đích của công cụ. Đừng cố dùng một cây thước để đo khối lượng!
- CHỌN CÔNG CỤ THEO HƯỚNG “TOÀN DIỆN”.
Một công cụ đánh giá có thể chỉ cung cấp cho bạn thông tin về một khía cạnh của ứng viên. Nhưng để đưa ra quyết định đúng đắn, bạn phải có được thông tin nhiều mặt hơn, từ kiến thức ngành nghề, khả năng tư duy đến động lực, sở thích hay thậm chí là những giá trị ưu tiên của họ. Bạn có thể sử dụng kết hợp nhiều công cụ đánh giá tất cả những tiêu chí quan trọng để hạn chế rủi ro.
- CHỌN CÔNG CỤ CÓ MỨC BẢO MẬT VÀ AN TOÀN THÔNG TIN CAO.
Trong quy trình thực hiện đánh giá, tất cả thông tin phải được bảo mật. Cho dù thực hiện trên giấy hay trên máy tính, câu trả lời của người làm bài phải được giữ kín. Kết quả đánh giá chỉ được chia sẻ cho những người có trách nhiệm liên quan (phòng Nhân sự, bản thân người làm đánh giá và quản lý trực tiếp của người làm đánh giá). Tốt hơn hết là hãy lựa chọn những công cụ đi kèm hệ thống quản lý bảo mật cao để có thể lưu trữ hoặc “backup” lại dữ liệu khi cần thiết.
- CHỌN CÔNG CỤ CÓ CƠ SỞ KHOA HỌC.
Các bài đánh giá được dùng để thu thập thông tin về tính cách, xu hướng hành vi hoặc khả năng của cá nhân để từ đó đưa ra những dự đoán về hiệu suất làm việc trong tương lai. Do đó, những thông tin đưa ra cần đảm bảo sự hợp lý, có nền tảng rõ ràng và loại bỏ thành kiến hoặc chủ quan. Doanh nghiệp cần đảm bảo công cụ đánh giá mình chọn có cơ sở khoa học và kèm theo các tài liệu hỗ trợ diễn giải kết quả.
Trên đây là 6 lưu ý cơ bản khi doanh nghiệp bắt đầu cân nhắc những lựa chọn của mình. Nhưng trước hết, bạn cần phải xác định được mục đích sử dụng và mục tiêu của mình. Bằng không, bạn sẽ khó có thể lựa chọn và sử dụng các công cụ này một cách hiệu quả.