Không ai trong chúng ta thích thừa nhận rằng mình đã sai. Quyền luôn “được đúng” làm lu mờ khả năng phán đoán của bạn, trở thành nỗi ám ảnh và nỗi sợ hãi gây áp lực cho chính bạn và những mối quan hệ cá nhân.
3 yếu tố cho biết bạn đang mắc chứng "sợ sai"
Chúng ta đều cố gắng tránh mắc sai lầm bằng mọi giá. Nhưng nếu chính những lỗi sai đó là bước đầu tiên dẫn đến cái đúng thì sao? Kathryn Schulz, phóng viên của báo The New Yorker, tự nhận bản thân là một “Wrongologist” - người thích cái sai. Kathryn đã dành hẳn 5 năm nghiên cứu hậu quả của việc làm sai và theo cô, "khi chúng ta cố gắng thể hiện rằng mình đúng, có nghĩa là chúng ta đã khởi đầu sai cách."
Hãy nghĩ lại xem, liệu những suy nghĩ sau đây thường xuất hiện trong bạn theo tần suất nào và hãy cẩn thận nếu nó xảy ra quá nhiều lần nhé!
Đọc thêm: Nhân viên theo chủ nghĩa hoàn hảo: Tốt hay xấu?
Làm sai sẽ bị đuổi việc/ bị giáng chức/ bị phê bình…
Khi đưa ra lý do này, điều ta sợ không phải là phạm sai lầm mà là hậu quả do sai lầm đó gây ra. Bạn chỉ tập trung vào việc chọn lựa một con đường đúng đắn và phớt lờ những giải pháp khác. Những người luôn sợ bị sa thải có xu hướng chịu đựng mọi yêu cầu và che giấu cảm xúc thật của mình ngay cả khi biết rằng điều đó không hợp lý.
Làm sai chứng tỏ mình bất tài
Từ thuở ấu thơ, chúng ta đã được dạy rằng phải đạt điểm cao, một bài kiểm tra không đạt đồng nghĩa với việc có một tương lai mờ mịt. Nếu phạm sai lầm ở một lĩnh vực không chuyên thì ta có thể dễ dàng tha thứ cho bản thân.
Nếu phạm sai lầm ở một lĩnh vực mình giỏi nhất – niềm tự hào từ trước đến giờ, thì thật khó tha thứ. Trong trường hợp này, điều ta muốn bảo vệ là cái tôi của mình. Những người rơi vào lối tư duy này thường tự nhủ: “Có mỗi việc này mà cũng không làm được thì còn làm được gì?”
Đọc thêm: 7 lời khuyên để quản lý và cố vấn nhân viên theo chủ nghĩa hoàn hảo
Sai lầm sẽ làm "rớt hạng" thành tích của tôi
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo rất sợ sai vì họ cho rằng một sai lầm sẽ vĩnh viễn là một vết nhơ trong cuộc đời họ. Cảm giác này giống như khi bạn nhìn vào một cái áo sơ mi trắng tinh nhưng lại bị dính một vết bẩn – nó không làm hư nguyên cái áo nhưng làm bạn cảm thấy cái áo này không còn “giá trị” như ban đầu nữa.
Đọc thêm: Nên đào tạo và phát triển gì cho nhân viên?
Nhưng bạn có biết rằng, những tiện ích ngày nay như điện thoại thông minh, laptop, lò vi sóng… đã trải qua bao nhiêu lần thất bại trước khi thành công không? Hay bạn có biết tỷ lệ thất bại của những công ty khởi nghiệp ở thị trường Việt Nam trong 2 năm đầu hoạt động là bao nhiêu không? Cả 2 con số đều không nhỏ, nhưng nếu ai cũng dừng lại khi thất bại hoặc thậm chí là trước khi thất bại thì sẽ chẳng có tiến bộ hay phát minh nào trên thế giới cả.
Không ai muốn phạm sai lầm vì những hậu quả do sai lầm đem lại có thể rất khủng khiếp hoặc ít nhất là gây phiền toái. Nhưng tự tạo áp lực cho mình bằng nỗi sợ này thực sự không hợp lý. Và nếu bạn thấy mình đang có những triệu chứng của bệnh sợ sai (dù là rất nhỏ), đừng quên đón đọc bài kỳ tới để tìm hiểu phương thức điều trị bệnh sợ sai hiệu quả!
Bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề quản lý nhân sự? Đăng ký nhận thông tin từ TRG Talent.