Trong bài viết trước, chúng ta bàn về thế nào là bệnh sợ sai, nguyên nhân bệnh hình thành và phát triển. Điều đáng nói là căn bệnh này do chính chúng ta áp đặt lên bản thân, dần dà trở thành một nỗi ám ảnh vô hình gây ảnh không chỉ trong công việc mà trong cả cuộc sống hằng ngày.
Bạn đã từng ở trong hoàn cảnh cảm thấy chùn bước trước mọi thứ, cứ dậm chân tại chỗ, loay hoay mãi tại một điểm? Bạn không dám nói lên suy nghĩ của bản thân, không dũng cảm hành động và thay đổi tất cả vì bạn sợ sai và sợ người khác phát hiện bạn đang sai? Phải làm thế nào để vượt qua tâm lý sợ hãi mọi thứ đó để tiến lên phía trước và thành công hơn?
Đọc thêm: 7 lời khuyên để quản lý và cố vấn nhân viên theo chủ nghĩa hoàn hảo
Chữa bệnh sợ sai cho cá nhân
Cũng giống bệnh sợ sếp, bệnh sợ sai cũng có thể được chữa trị trên bình diện cá nhân và tổ chức. Đối với cá nhân, bệnh sợ sai là một trong những nguyên nhân cản trở sự đột phá và sáng tạo trong mọi khía cạnh.
Karen Thompson Walker, tác giả của cuốn “The Age of Micracles”, trong một buổi diễn thuyết TED Talk đã khẳng định: “Nỗi sợ hãi thực chất là do trí tưởng tượng của mỗi cá nhân.” Theo bà, mỗi khi đứng trước một tình huống đòi hỏi phải quyết định, ta thường hình dung ra những “câu chuyện” diễn tiếp sau đó. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không hề sợ thất bại, ta sợ phải hứng chịu hậu quả mà sai lầm đó đem lại: sự khinh khi của đồng nghiệp, bị giáng chức hoặc đuổi việc, mất thời gian lẫn tiền bạc, v.v…
Việc bạn thất bại chắc chắn là một kết thúc không có hậu cho câu chuyện tưởng tượng của bạn, và đó chính là căn nguyên của nỗi sợ hãi mà bạn đang đối diện. Hãy học tập những phương pháp suy nghĩ tích cực để “trưởng thành” hơn bạn nhé!
Chữa bệnh sợ sai cho tổ chức
Nếu bạn ở cương vị là một quản lý và bạn nhận thấy không chỉ một hai nhân viên của bạn mắc chứng bệnh sợ sai mà cả một tập thể thì bạn nên tìm hiểu căn nguyên dẫn đến bệnh phát tán trên diện rộng. Từ đó, bạn sẽ đúc kết được những động thái phù hợp để khích lệ tinh thần nhân viên, giúp họ phát triển và duy trì tinh thần tìm tòi, thắc mắc và sẵn sàng chấp nhận rủi ro với một cách tiếp cận khác để tiến lên.
Nếu “sáng tạo”, “liên tục cải thiện” hoặc “không ngừng đổi mới” là một trong những giá trị cốt lõi của tổ chức bạn, hãy đo xem trong 6 tháng vừa qua có bao nhiêu cải tiến, tiến bộ hoặc thay đổi được thực hiện, tỷ lệ này có xu hướng tăng hay giảm qua thời gian? Ngoài ra, nếu các quản lý cấp trung của bạn cởi mở và sẵn sàng là người tiên phong cho đổi mới thì khả năng cao là môi trường của công ty bạn đang nuôi dưỡng yếu tố này. Và các bài khảo sát về tư duy sáng tạo dựa trên quan sát của những người xung quanh có thể là một khởi đầu thích hợp để bạn tìm hiểu xu hướng dám nghĩ dám làm trong đội ngũ quản lý của công ty.
Đọc thêm: Làm gì để mang giá trị của doanh nghiệp gần gũi hơn với nhân viên?
Hãy dũng cảm đối diện với sai lầm, tìm hiểu cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thất bại, từ đó hãy rút ra những bài học cho riêng mình. Đừng ngại ngần đối diện nỗi sợ hãi và hoạch định một kế hoạch chi tiết, rõ ràng để ngăn ngừa chúng có thể tiếp diễn hoặc ít nhất giảm trừ những thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.
Bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề quản lý nhân sự? Đăng ký nhận thông tin từ TRG Talent.