Trong kỳ trước, ta đã cùng nhau chẩn đoán những triệu chứng và nguyên nhân gây ra chứng bệnh sợ sếp. Nhưng để điều trị chứng bệnh này, ta cần phải theo liệu trình nào?
Trước hết, hãy xác định xem công ty bạn đang gặp trường hợp nào dưới đây:
TRƯỜNG HỢP 1: BỆNH LẺ TẺ
Chỉ có một hay một vài nhân viên cùng né tránh một người quản lý.
Bước đầu tiên là xác định được lý do chính xác khiến số ít “bệnh nhân” này e ngại tiếp xúc với người quản lý. Đồng thời xác định và làm rõ những ảnh hưởng của các hành vi tiêu cực đó cho “bệnh nhân” biết. Từ một góc nhìn bên ngoài, bạn nghĩ nguyên nhân nằm ở nhân viên nhiều hơn hay quản lý nhiều hơn? Tại sao?
Sau khi đã thu thập những thông tin này, hãy xác định bác sỹ phụ trách và phác đồ điều trị. Nói cách khác, bạn cần chỉ định người hỗ trợ nhân viên này trong quá trình thay đổi các hành vi né tránh tiêu cực sang tích cực. Và đừng quên định rõ thời gian tuân theo phác đồ!
Bước quan trọng không kém sau khi trải qua quá trình điều trị chính là tái khám. Hãy xác định thời điểm đánh giá lại hành vi của người nhân viên đó. Và trong trường hợp xấu nhất – nhân viên đó chưa khỏi hẳn bệnh – thì phải kịp thời đề ra những thay đổi trong định hướng điều trị để không xảy ra trường hợp thứ hai dưới đây.
TRƯỜNG HỢP 2: DỊCH BỆNH BÙNG PHÁT
Nhiều nhân viên cùng né tránh một người quản lý. Xảy ra trong nhiều đội nhóm, phòng ban.
Để có cái nhìn tổng quát về tình hình hiện tại, bạn cần áp dụng một khảo sát toàn diện để lấy ý kiến và cảm nhận của nhân viên về cách thể hiện của các quản lý, cùng với bản đánh giá hiệu quả làm việc của mỗi phòng ban tương ứng với từng quản lý. Thông thường, những bài khảo sát sử dụng phương pháp 360o sẽ là một lựa chọn hợp lý, miễn là bạn đảm bảo được tính bảo mật và ẩn danh cho những người đánh giá. Kết quả từ những khảo sát này sẽ cho bạn biết tình hình hiện tại của mình so với mục đích đặt ra, kèm theo những gợi ý để thay đổi hành vi và phong cách quản lý của từng lãnh đạo.
Giá trị doanh nghiệp là những hành vi mang tính đại diện, được phần đông nhân viên trong công ty thể hiện ra. Và liệu bạn có muốn “sợ sếp” lại trở thành một giá trị đại diện dở khóc dở cười cho công ty mình không? Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy luôn có những biện pháp phòng chống và kịp thời phát hiện mầm bệnh ngay hôm nay!