Chủ nghĩa hoàn hảo không tốt. Đúng hơn là ta cần tránh đề cao chủ nghĩa hoàn hảo. Nhưng ta vẫn không thể kiểm soát được việc xung quanh ta là những người theo chủ nghĩa này. Và họ thực sự là những ca khó cho các quản lý.
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo không bao giờ muốn để cho một người cố vấn hoặc quản lý chỉ cho họ thấy những điểm cần phát huy hay thậm chí chia sẻ những điểm yếu cần cải thiện. Ngay cả khi ta tinh tế chỉ ra những hậu quả của chủ nghĩa hoàn hảo, họ vẫn sẽ không chấp nhận. Cứ như thế, mọi nỗ lực cố vấn không đi đến đâu cả. Hãy tìm hiểu những lời khuyên sau đây từ nhà tâm lý học W.Brad Johnson và nhà xã hội học David G.Smith để biết cách cố vấn cho những nhân viên này.
- Hãy kiểm tra xem bạn có đề cao chủ nghĩa hoàn hảo không.
Bạn có từng phải vật lộn với những tiêu chuẩn cá nhân vô lý và xu hướng tự chỉ trích không? Nếu có, hãy cực kỳ cẩn thận với những đề xuất bạn đưa ra vì có thể bạn đang tạo điều kiện bộc phát cho chủ nghĩa hoàn hảo của cả hai.
- Chú trọng vào việc xác nhận, khích lệ và hỗ trợ.
Trước hết, luôn nhớ rằng bạn phải tập trung vào bản thân người được cố vấn chứ không phải hiệu suất làm việc của họ. Khi họ gặp khó khăn hoặc cho rằng mình đã thất bại, hãy giúp họ phát triển và duy trì tinh thần tìm tòi, khám phá và sẵn sàng thử một cách làm mới. Ngoài ra, hãy nhấn mạnh rằng một thất bại hay sai lầm không định nghĩa con người họ, mà nó là động lực và điều kiện cần để họ đạt được thành công cao hơn trong tương lai.
- Dành thời gian hợp lý để trải lòng về những sai lầm trước đây của bạn.
Hãy cho người được cố vấn biết bạn đã học hỏi từ sai lầm ra sao, bạn coi mỗi sai lầm là một cơ hội phát triển trong công việc như thế nào, và quan trọng hơn hết là bạn đã làm gì để chấp nhận, tiếp tục và thậm chí yêu quý bản thân mình hơn bởi bạn hiểu rằng con người ai cũng có lúc vấp ngã. Đừng yêu cầu người khác phải chấp nhận sai lầm của mình và kiên trì nỗ lực nếu bản thân bạn không làm được điều đó.
- Thừa nhận những kỹ năng bạn không có.
Thông thường, nếu bạn nói với người được cố vấn rằng “Tôi không biết cái này, hãy cùng tìm hiểu với nhau nhé”, hành động đó cho họ một thông điệp rằng không nhất thiết phải biết mọi câu trả lời, mà quan trọng là tinh thần cầu tiến và luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới.
- Giúp người được cố vấn cởi mở với điều mà người theo chủ nghĩa hoàn hảo sợ nhất: sự thiếu hoàn hảo.
Hãy tập cho họ quen với việc chấp nhận những điều không hoàn hảo. Ví dụ, yêu cầu họ gửi cho bạn một email có lỗi chính tả và buộc họ làm quen với sự lo lắng. Hãy cho họ biết rằng càng tạo áp lực cho bản thân thì càng có khả năng phạm sai lầm hơn. Chấp nhận bản thân mình, bao gồm cả ưu điểm và khuyết điểm, là bước đầu tiên để hoàn thiện bản thân.
- Giúp họ học cách dừng lại và “lập trình lại” suy nghĩ của mình.
Hãy giúp người được cố vấn dừng lại và đặt câu hỏi “Việc mình đang làm có phải là một phần của một mục tiêu lớn hơn không?”. Một trong những điểm yếu cố hữu của người theo chủ nghĩa hoàn hảo là dành quá nhiều thời gian cho một việc mà không để tâm đến bức tranh toàn diện của vấn đề. Do đó, việc của bạn là giúp họ thấy rằng tiến độ công việc của mình sẽ ảnh hưởng ra sao đến những người khác.
- Công nhận và chấp nhận rằng việc giúp đỡ người theo chủ nghĩa hoàn hảo thật sự gian nan.
Và hãy thừa nhận rằng bạn hoàn toàn là một người cố vấn không-hề-hoàn-hảo.
(Tổng hợp từ Harvard Business Review)