Những cơ hội đào tạo và phát triển là yếu tố khiến nhân viên cam kết gắn bó với doanh nghiệp của bạn. Nhưng liệu bạn sẽ thực hiện chương trình này cho tất cả mọi người hay sẽ cân nhắc dưới góc nhìn của một nhân viên?
Đúng vậy. Chỉ MỘT người thôi. Một người với những điểm yếu và điểm mạnh riêng của mình, bạn sẽ ‘tấn công” vào đâu trước? Có thể bạn sẽ ngay lập tức trả lời là: điểm yếu nhất.
Chọn như vậy có nghĩa là bạn sẽ dành toàn bộ thời gian và công sức để rút ngắn khoảng cách lớn nhất so với hình ảnh “nhân viên thành công”. Bạn thấy có hợp lý không? Đúng là nhân viên của bạn nên (và cần) cải thiện những điểm yếu của mình. Nhưng đừng bỏ quên điểm mạnh.
Điểm mạnh của nhân viên là yếu tố quyết định đến hiệu quả của giao việc. Bạn sẽ cần giao cho nhân viên những nhiệm vụ giúp họ phát huy điểm mạnh hoặc cho họ tham gia các khóa đào tạo giúp mài giũa điểm mạnh sắc bén hơn. Khi đó, bạn có thể nâng cao mức độ phức tạp của nhiệm vụ được giao mà vẫn đảm bảo chất lượng. Đây không phải là một tình huống đôi bên cùng có lợi sao?
Điểm yếu của nhân viên là những yếu tố cách tiêu chuẩn thành công xa nhất. Và quãng đường càng xa thì ta càng cần nhiều thời gian hơn. Do vậy, nếu bạn muốn cải thiện điểm yếu cho nhân viên, hãy lập kế hoạch dài hạn, luôn duy trì được sự động viên, khích lệ và đừng đặt ra quá nhiều áp lực lên nhân viên đó. Về căn bản, cần rất nhiều thời gian và hoạt động đào tạo chuyên sâu để thay đổi hành vi cốt lõi từng chút một. Do đó, bạn không thể kỳ vọng nhân viên của mình “quay ngoắt 1800” so với xu hướng hành vi thông thường của họ mà không bị căng thẳng hay rối trí.
Thay vì những thách thức liên tục, các nhân viên đang-trong-quá-trình-phát-triển-thành-xuất-sắc cần được “nêm gia vị” vào công việc của họ. Và cho dù hình thức đào tạo là gì, hãy lưu ý đến tốc độ học hỏi cũng như những sở thích khác nhau của nhân viên. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ bạn tối ưu hóa định hướng và chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian trao đổi với nhân viên của mình và xác định mức độ cởi mở với thay đổi của họ. Mức độ này càng cao thì tốc độ đào tạo và phát triển sẽ càng nhanh. Nhưng nếu không thì đừng vội cho rằng họ bảo thủ hay không có chí cầu tiến vì có thể là họ cảm thấy bất an khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Khi đó, hãy cho họ thời gian, đồng thời hỗ trợ và khích lệ họ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nhưng nếu sau một thời gian vẫn không mấy tiến triển thì bạn nên chuẩn bị sẵn những phương án khác như luân chuyển nội bộ để giảm bớt gánh nặng cho cả đôi bên.