“Tôi là một nhà lãnh đạo tài ba. Tôi luôn luôn giao tiếp hiệu quả. Tôi là người có tầm nhìn và cống hiến hết mình cho công việc. Nhân viên của tôi biết rằng tôi luôn đánh giá cao đóng góp của họ cho tổ chức.” Bạn có thể có những suy nghĩ như vậy nhưng sự thật thì thế nào? Và làm thế nào bạn biết được mình đúng là một lãnh đạo xuất sắc ở tất cả các mặt?
Cho dù bạn là CEO hay quản lý, có nhận thức chính xác về những kỹ năng lãnh đạo của bản thân là rất quan trọng. Khi suy nghĩ của bạn và quan điểm của mọi người có khác biệt, dù nhiều hay ít, cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến hiệu quả công việc của bạn. Nếu quá tự tin, bạn sẽ khó nhận ra những thiếu sót của mình và không sẵn sàng thay đổi để cải thiện vì bạn cho rằng vấn đề là ở người khác chứ không phải ở mình.
Ngược lại, nếu quá tự ti, bạn sẽ luôn lo lắng và tự tạo sức ép cho bản thân rằng mình chưa đủ giỏi như mọi người mong muốn. Suy nghĩ này sẽ thể hiện ra hành vi của bạn và qua thời gian, nó sẽ khiến những người xung quanh có suy nghĩ tương tự – nghĩa là họ cho rằng bạn đúng là chưa đủ khả năng, trong khi sự thật có thể khác.
Do đó, để hạn chế khác biệt giữa nhận thức của bạn với thực tế, hãy thực hiện 3 bước sau đây:
XÂY DỰNG THÓI QUEN TỰ PHẢN ẢNH
Hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
- Mình là một nhà lãnh đạo như thế nào?
- Mọi người xem mình là nhà lãnh đạo như thế nào?
- Mình có điểm mạnh và điểm yếu gì trong công tác lãnh đạo?
Đừng ngại đặt cho đồng nghiệp của bạn 3 câu hỏi ở bước 1. Có thể họ đang chờ bạn làm như vậy. Hãy thẳng thắn nói với họ rằng bạn muốn phát triển kỹ năng lãnh đạo của mình và mong muốn hiểu rõ hình ảnh của mình trong mắt người khác.
Nhưng đừng chỉ dừng ở những phản hồi chung chung, hãy làm rõ các câu trả lời, đặt câu hỏi liên quan đến những dự án cụ thể mà bạn và họ cùng tham gia. Bạn cũng nên nhờ cấp trên nhận xét về cách giao tiếp của bạn trong những tình huống khác nhau.
SỬ DỤNG NHỮNG CÁCH ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN
Có rất nhiều công cụ đánh giá kỹ năng lãnh đạo trên thị trường. Những công cụ này thường hoạt động theo cách so sánh quan điểm của bạn với quan điểm của người khác (cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, đối tác, khách hàng, v.v...).
Kết quả sẽ hé lộ một cái nhìn khá chính xác về hành vi lãnh đạo của bạn. Nhưng nên lưu ý rằng những công cụ này chỉ mang tính chất thu thập thông tin để giúp bạn phát hiện những “điểm mù” trong nhận thức của mình.
Điều quan trọng là sau khi nhận được thông tin, bạn phải đưa ra được một kế hoạch phát triển và cải thiện. Nhiều công ty đã thấy rõ sự khác biệt trước và sau khi nhận kết quả đánh giá của các lãnh đạo.
Nhận thức là bước đầu tiên để thay đổi hành vi. Nhưng giống như suy nghĩ “không đi khám bệnh vì sợ ra bệnh”, nhiều người trong chúng ta sợ biết rằng mình không giỏi như mình nghĩ. Một người không bao giờ lại gần bàn cân không có nghĩa là người đó có cân nặng lý tưởng.
Tương tự, chưa có góp ý tiêu cực về kỹ năng lãnh đạo của bạn không có nghĩa bạn là lãnh đạo giỏi. Nếu bạn muốn trở thành một lãnh đạo thực sự tài ba, hãy sẵn sàng bước những bước đầu tiên thật đúng đắn để thu về những nhận xét chính xác. Từ đó bạn mới có được nền tảng cho những bước phát triển tích cực tiếp theo cũng như tạo được những tác động có ý nghĩa cho cá nhân lẫn toàn doanh nghiệp.