Nhiều công ty ở Việt Nam hiện nay đang áp dụng cách thức “hai-trong-một”: kiểm tra IQ bằng tiếng Anh, với mục đích đánh giá đồng thời trí thông minh cũng như khả năng tiếng Anh của ứng viên. Nhưng “kiểm tra IQ” đã không được các nhà khoa học khuyến khích sử dụng trong tuyển dụng thì liệu vế còn lại – “bằng tiếng Anh” – có thực sự hiệu quả và đáp ứng đúng mục đích của công ty không?
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng khái niệm “đánh giá tư duy” thay vì “kiểm tra IQ” để đảm bảo sự chính xác. Và sau đây là 2 lý do mà công ty bạn không nên sử dụng đánh giá tư duy bằng tiếng Anh.
- KẾT QUẢ MANG TÍNH PHIẾN DIỆN.
Với đánh giá tư duy, mục đích là tìm hiểu phong cách tư duy của ứng viên, xem họ nhạy ở hình thức tư duy nào: số, ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh… Nhưng khi kiểm tra tiếng Anh, mục đích của bạn lại là tìm hiểu trình độ đọc hiểu tiếng Anh, thậm chí còn không phải là tiếng Anh giao tiếp hay toàn diện.
Như vậy, nếu một ứng viên có tư duy rất nhạy bén nhưng không hiểu được những từ tiếng Anh không thuộc chuyên ngành của mình thì sao? Hoặc một ứng viên rất giỏi đọc hiểu tiếng Anh nhưng lại không giao tiếp hiệu quả thì thế nào? Bạn có muốn tự tạo khó khăn cho mình khi cố “tiết kiệm” thời gian bằng cách gộp 2 mục đích đánh giá lại như vậy không?
- KHOA HỌC KHÔNG KHUYẾN KHÍCH.
Tất cả các bài đánh giá đều được phát triển trên nền tảng khoa học và chỉ được đưa vào sử dụng khi đã đạt được một số tiêu chuẩn về tính tin cậy và tính giá trị. Để đo lường chính xác, những yếu tố gây “nhiễu” kết quả như ngôn ngữ, trình độ đọc hiểu và yếu tố môi trường phải được hạn chế hoặc thậm chí là loại trừ. Đó cũng là phần nào lý do vì sao bài đánh giá tư duy (IQ) phổ biến nhất lại là tư duy về hình ảnh.
Vậy giải pháp ở đây là gì?
Tách biệt bài kiểm tra tiếng Anh và bài đánh giá tư duy. Tốt hơn hết, hãy chọn bài đánh giá tư duy được chuẩn hóa cho thị trường của bạn – nghĩa là được dịch, khảo sát và chứng thực bằng ngôn ngữ được sử dụng chính ở thị trường này. Không nên áp dụng cùng một bài đánh giá cho mọi quốc gia hoặc mọi nền văn hóa.
Nếu chỉ được chọn một: đánh giá tư duy hoặc tiếng Anh thì bạn nên chọn cái nào?
Câu trả lời là đánh giá tư duy. Phòng Nhân sự có thể tự xây dựng một bài thi viết tiếng Anh đầu vào hoặc đánh giá khả năng nghe nói tiếng Anh của ứng viên khi phỏng vấn qua điện thoại hay phỏng vấn trực tiếp. Nhưng khó mà xác định được xu hướng tư duy của một người chỉ qua vài lần tiếp xúc. Hãy cân nhắc cẩn thận và lựa chọn hướng đi đúng đắn nhất dành cho doanh nghiệp của mình thay vì sa vào những giải pháp lợi bất cập hại.