Bạn là quản lý và đang giám sát một số lượng nhân viên nhất định. Nhưng “làm sao để thúc đẩy và gắn kết các cá nhân này lại với nhau?” và “Điều đó sẽ được thực hiện trong bao lâu?” là những câu hỏi không ngừng làm khó bạn. Theo nghiên cứu của Gallup, những tổ chức có khả năng gắn kết nhân viên tốt sẽ tạo ra năng suất làm việc cao hơn 22% so với các tổ chức khác.
Tiến sĩ Jim Harter tại Viện nghiên cứu Gallup cho biết, "Những nhân viên có sự kết nối cao sẽ để tâm nhiều hơn đến nhu cầu của đồng nghiệp và toàn bộ doanh nghiệp, bởi vì cá nhân họ không chỉ chịu trách nhiệm cho kết quả công việc của mình mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức".
Nói về các chiến lược gắn kết nhân viên thì dễ nhưng làm thì không đơn giản chút nào. Mỗi ngày, các nhân viên ở bất kỳ cấp độ nào cũng nhận được rất nhiều thông điệp có ảnh hưởng đến tâm trạng, thái độ và hiệu suất làm việc của họ. Những thông tin này có thể đến từ nhiều nguồn và liên quan đến nhiều vấn đề, kể cả những khía cạnh tiêu cực trong công việc và tổ chức. Với vai trò quản lý, bạn phải giúp họ gạt bỏ những yếu tố tiêu cực đó thông qua hoạt động huấn luyện, duy trì mức độ động lực cũng như sự tập trung của họ vào những công việc đang đảm nhận. Bạn nên nhớ rằng ngay cả việc bạn thiếu giao tiếp với họ cũng gián tiếp truyền đi một thông điệp không mấy lạc quan về chính bạn.
Hơn nữa, đừng bao giờ ẩn mình đằng sau cánh cửa văn phòng luôn đóng im ỉm. Hãy nghĩ về khoảng cách (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) giữa bạn và nhân viên. Ngay cả khi lịch làm việc có bận rộn đến mức nào đi chăng nữa, bạn cũng phải dành thời gian đối thoại với nhân viên. Ngoài ra, nên nhớ rằng mỗi nhân viên cần được thúc đẩy theo những khác nhau. Một quản lý hiệu quả sẽ không chỉ sử dụng một cách chung mà sẽ điều chỉnh phong cách quản lý để có được phản hồi tích cực nhất từ mỗi nhân viên.
Đồng thời, khi lắng nghe và trao đổi với nhân viên, bạn không chỉ thể hiện rằng sự quan tâm của mình mà còn có thể hiểu được những suy nghĩ hay lo lắng của họ. Đó là những nguồn tin hiệu quả để bạn kịp thời điều chỉnh phương pháp hoặc khắc phục sai lầm. Nhưng trên hết, có giao tiếp hai chiều nghĩa là bạn có gắn kết với nhân viên của mình!
Nếu doanh nghiệp của bạn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vì nhân viên thiếu gắn kết, nhiệm vụ giải quyết chính thuộc về các lãnh đạo cấp cao và phòng Nhân sự. Nhưng đừng cho rằng bản thân bạn – người quản lý lại không cần chịu trách nhiệm. Bạn không nên chờ đến khi thấy rõ ràng là nhân viên thiếu gắn kết. Thay vào đó, hãy bắt đầu thay đổi trong doanh nghiệp bạn từ hôm nay vì mỗi người đều có thể tạo ảnh hưởng tới người khác, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Hãy kết nối với các nhân viên, xây dựng một cam kết đồng lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua rào cản và đề cao các hành vi tích cực trong giao tiếp!