Những biến chuyển khó lường của nền kinh tế toàn cầu cùng những tiến bộ khoa học kỹ thuật không ngừng đặt các doanh nghiệp trong tình thế phải luôn sẵn sàng đối mặt với thay đổi, ít hoặc nhiều, trong ngắn hạn và dài hạn. Doanh nghiệp nào biết linh hoạt và uyển chuyển đối với thay đổi, hạn chế những tác động tiêu cực từ môi trường kinh doanh hiện tại và áp dụng thành công những cải tiến trong công tác vận hành chắc chắn sẽ duy trì được sức bền và khả năng cạnh tranh của mình trên thương trường.
Muốn vậy, các lãnh đạo phải là những người tạo điều kiện thay đổi cho doanh nghiệp. Họ phải là những người định hướng và thực thi cải cách để đưa doanh nghiệp đến thành công. Tuy nhiên, không ít quản lý e ngại với thay đổi vì cho rằng doanh nghiệp không thể nhảy từ một chương này sang một chương hoàn toàn khác chỉ trong chớp mắt. Suy nghĩ đó không sai nhưng các quản lý cần hiểu rằng thay đổi và thích nghi là con đường duy nhất để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài.
Vậy để những thay đổi diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả cho công tác vận hành của các quản lý trong doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần phải ghi nhớ những gì?
- Hiểu được mong muốn thay đổi của các quản lý.
Mỗi quản lý có những ý kiến khác nhau, do đó ta phải đối mặt với những rủi ro và thách thức khác nhau khi thực hiện cùng một thay đổi. Hãy trao đổi với các quản lý để hiểu được những rủi ro và cơ hội tiềm tàng với mỗi người. Nếu không “chẩn đoán” chính xác được những nguyên nhân khiến các quản lý phản đối thay đổi, doanh nghiệp sẽ không thể lựa chọn được phương pháp để triển khai thay đổi hiệu quả.
- Giúp quản lý hiểu được nguyên nhân từ chối thay đổi của mình.
Nhiều người không ý thức được rằng bản thân họ ngại thay đổi. Nếu nguyên nhân từ chối nằm ở đó, hãy yêu cầu họ xem xét và nghiên cứu quá trình thay đổi sắp diễn ra, đồng thời hỗ trợ họ nhận ra và công nhận những lợi ích mà thay đổi mang lại cho doanh nghiệp và bản thân họ.
- Đảm bảo nhà quản lý tập trung vào tầm quan trọng và lợi ích của những ưu tiên mới.
Thuyết phục bằng lời chỉ là một trong nhiều cách để giải quyết được vấn đề từ chối thay đổi của các nhà
quản lý. Bạn cần phải thể hiện thay đổi qua những hành động và mục tiêu cụ thể, đồng thời, suy xét kỹ mục tiêu mong đợi. Sau mỗi lần thay đổi, hãy hỏi nhà quản lý cùng nhân viên về những ưu tiên trong công việc của họ. Cách này sẽ kiểm tra mức độ đồng thuận trong ưu tiên công việc giữa bạn và người quản lý. Đây là cơ hội để bạn phổ biến lại ưu tiên công việc, đồng thời cung cấp bằng chứng thực tế về lợi ích của thay đổi, góp phần xua tan mối hoài nghi của các nhà quản lý.
Thay đổi vốn không dễ, đặc biệt là vì con người vốn yêu thích thói quen. Nhưng trong thời đại này, các doanh nghiệp cần phải biết nắm bắt cơ hội. Nếu sau một thời gian dài mà 3 cách trên vẫn không hiệu quả, bạn phải tổ chức một buổi trao đổi thẳng thắn với những quản lý vẫn cứng rắn với quan điểm cũ. Vấn đề có thể nằm ở họ hoặc ở chính thay đổi. Khi thay đổi thực sự hiệu quả và mọi người có thể nhìn thấy được sự khởi sắc, những người có tư tưởng thủ cựu nhất cũng sẽ dần bị thuyết phục và quen với thay đổi.
Một vấn đề khác cũng khiến các nhà quản lý đau đầu không kém là làm sao họ có thể chiếm được sự tôn trọng và tin tưởng hết mực từ các nhân viên bởi đó là những viên gạch nền tảng nhất để xây dựng sự gắn kết với nhân viên cũng như giữa nhân viên với toàn nhóm. Hãy đón đọc kỳ tiếp theo trong loạt bài về “Quản lý & Lãnh đạo” để tìm hiểu những lời khuyên giúp bạn gạt đi những lo lắng ấy.