Với việc trang Lingo.vn ngừng hoạt động, danh sách những nạn nhân của thị trường thương mại điện tử (e-commerce) tại Việt Nam lại được kéo dài. Trước đó, 2 trang Deca.vn và Beyeu.com cũng lần lượt đóng cửa trong năm 2015. Một số đối thủ đình đám khác cũng phải bán mình, như Lazada và Zalora được Alibaba và Central Group mua lại.
Có thể sẽ có nhiều ý kiến đổ lỗi cho những điều kiện tại Việt Nam không thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử, như cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến, thói quen mua sắm v.v... Nhưng trên thực tế, ngay cả trên quy mô toàn cầu thì viễn cảnh của thương mại điện tử cũng không hẳn chỉ toàn màu hồng.
Chú lùn trong thị trường bán lẻ
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây, thương mại điện tử trên thực tế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng quy mô của ngành bán lẻ nói chung. Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ thì thương mại điện tử chỉ chiếm 8,3% doanh thu bán lẻ của nước này vào năm 2014. Trên phạm vi toàn cầu, theo dự kiến thì giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 2.500 tỷ USD vào năm 2018, song cũng chỉ tương đương 8,8% con số 28.500 tỷ USD tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn cầu.
Theo một bản nghiên cứu thị trường bán lẻ Mỹ năm 2015 của TimeTrade thì có đến 65% người tiêu dùng tại nước này vẫn thích một sản phẩm cửa hàng kể cả nếu sản phẩm đó được bán trên mạng. Tuy việc tìm kiếm trực tuyến về sản phẩm và thông tin ngày càng phổ biến thì người tiêu dùng vẫn yêu thích các trải nghiệm thực tế trong cửa hàng. Hình dưới đây cho thấy những lí do vì sao khách hàng vẫn thích đến cửa hàng thay vì chỉ mua trên mạng.
Vì sao khách hàng vẫn thích mua tại cửa hàng?
(Nguồn: The State of Retail 2015 by TimeTrade)
Ngay cả những người khổng lồ e-commerce cũng đang quay trở lại thế giới thực. Amazon, biểu tượng thành công của thương mai điện tử, cũng đã mở cửa hàng sách đầu tiên của mình vào tháng 11/2015 tại Seattle, Mỹ. Theo CEO Jeff Bezos thì hãng có tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng của mình trong tương lai gần. Alibaba, một người khổng lồ khác từ phương Đông, cũng mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Trung Quốc vào tháng 1 năm nay.
Những con số và sự kiện này chỉ ra một thực tế rằng thương mại điện tử thuần túy không phải là tương lai của ngành bán lẻ như nhiều người đã dự đoán.
Cửa hàng đầu tiên của Amazon
Bán lẻ đa kênh là hướng đi tương lai
Khái niệm bán lẻ đa kênh (omnichannel) xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 2010 và đã nhanh chóng trở thành một đề tài được các chuyên gia trong ngành thảo luận thường xuyên. Theo nghĩa rộng, đây là sự hội tụ của bán lẻ trong thế giới ảo (bao gồm cả bán lẻ qua di động) và trong thế giới thực (các cửa hàng, chuỗi cửa hàng).
Vì sao gọi đây là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ? Câu trả lời thực ra rất đơn giản: đó là do người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với việc mua sắm đa kênh, trong lúc các nhà bán lẻ vẫn chưa thực sự bắt kịp được xu hướng mới này.
Người tiêu dùng ngày nay có thể tìm kiếm thông tin về sản phầm trên Internet, và kiểm tra xem sản phẩm mà mình yêu thích đang có sẵn tại một cửa hàng gần nhà hay không. Ngược lại, trong lúc trải nghiệm, xem xét sản phẩm tại cửa hàng, người tiêu dùng cũng có thể tra cứu thêm thông tin về sản phẩm, hay so sánh giá, thông qua smartphone của mình. Họ có thể đặt hàng trực tuyến, nhưng đến nhận tại cửa hàng, thay vì đợi hàng được chuyển đến. Đây là những ví dụ tiêu biểu cho thấy hành vi người tiêu dùng ngày nay đang xóa nhòa ranh giới giữa các kênh bán hàng. Và do đó những nhà bán lẻ cần phải thay đổi để thích ứng.
Quan trọng hơn, các “khách hàng đa kênh” đem lại lợi nhuận cao hơn cho những nhà bán lẻ. Wal-Mart sau khi giới thiệu dịch vụ ‘mua online-nhận tại cửa hàng’ nhắm đến đối tượng khách hàng đa kênh đã nhận thấy những khách hàng sử dụng dịch vụ này có mức chi tiêu cao hơn 50% so với những người chỉ mua tại cửa hàng.