Trận đại dịch gần đây chính là hồi chuông báo động cho tất cả các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp sống trong rủi ro nhưng lại không có một kế hoạch phục hồi chi tiết hẳn đã phải vật vã để thích nghi với thực trạng bình thường "bất thường" mà ở đó, hầu hết mọi nhân viên đều phải làm việc từ xa.
Hiển nhiên rằng không phải ngày nào các doanh nghiệp trên thế giới cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, nhưng thay vào đó, họ phải đối mặt với những tên tội phạm công nghệ, những vụ lừa đảo, hỏa hoạn, và cả mất điện nữa.
Tuy nhiên, 75% các doanh nghiệp nhỏ không hề có một kế hoạch phục hồi sau thảm họa (disaster recovery plan). 93% các công ty bị mất dữ liệu và phải ngừng hoạt động từ 10 ngày trở lên tuyên bố phá sản trong vòng 12 tháng1.
Liệu doanh nghiệp của bạn đã chuẩn bị thua cuộc trong trận chiến này? Giải pháp của bạn là gì?
Thế nào là một kế hoạch phục hồi sau thảm họa và vì sao nó lại quan trọng trong bối cảnh hiện nay?
Kế hoạch phục hồi sau thảm họa (disaster recovery plan) là một chiến lược được đặt ra nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại sau khi trải qua một biến cố bất ngờ. Kế hoạch này được soạn thảo chi tiết, có cấu trúc rõ ràng và thường xuyên được xem xét để duy trì khả năng thực hiện.
Chúng thường được áp dụng cho các bộ phận phụ thuộc vào hệ thống IT với mục đích phục hồi dữ liệu đã mất và khắc phục hậu quả.
Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các tài nguyên để đối phó với những thảm họa trong tương lai và hạn chế ảnh hưởng đến doanh nghiệp, kế hoạch phục hồi sau thảm họa còn giúp:
- Giảm bớt thiệt hại và những tác động tài chính do việc vận hành bị gián đoạn
- Đào tạo nhân viên về những quy định an toàn trong tình huống khẩn cấp
- Vạch ra trước những giải pháp thay thế cho việc vận hành
- Bảo đảm quá trình phục hồi suôn sẻ và nhanh chóng
Đọc thêm: Transformers' và bài học về an ninh mạng doanh nghiệp
Đáng chú ý là lượt tấn công qua mạng thường tăng vọt khi khủng hoảng xảy ra và trong trận đại dịch vừa rồi, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết các cuộc tấn công nhắm trực tiếp vào nhân viên đã tăng gấp 5 lần2. Thêm vào đó, lượt tấn công ngân hàng cũng đã vượt mốc 238%3.
Nếu có thiên tai nghiêm trọng, không thể đảm bảo rằng các nhà cung cấp sẽ hỗ trợ kịp thời. Việc thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị dùng để thay thế, sửa chữa và bảo trì các cơ sở hạ tầng bị hư hại sẽ trở thành một vấn đề lớn.
Dù là sai sót do con người hay thiên tai thì đều có thể khiến cả một công ty bị đóng cửa và không được bảo vệ trong nhiều giờ hay thậm chí là nhiều tuần. Do đó, những doanh nghiệp đầu tư vào một bản kế hoạch chi tiết để phục hồi sau thảm họa kèm theo một bản kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục (business continuity plan) sẽ càng có khả năng tồn tại và trở lại hoạt động nhanh hơn sau thảm họa.
Phục hồi sau thảm họa và sao lưu (backup)
"Sao lưu" (backup) là quá trình lưu trữ những bản sao dữ liệu của bạn. Chúng ta thường nhầm tưởng rằng phục hồi sau thảm họa đồng nghĩa với việc sao lưu dữ liệu. Đúng là doanh nghiệp không thể nào phục hồi nếu có các bản sao lưu nhưng họ hoàn toàn có thể sao lưu dữ liệu mà không cần bất kỳ kế hoạch phục hồi sau thảm họa nào.
Việc lỡ tay xóa dữ liệu rất thường xuyên xảy ra và để phục hồi dữ liệu đã mất trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần một không gian lưu trữ ảo, nơi chứa tất cả các phiên bản của dữ liệu.
Đọc thêm: Data Lake là gì? Phân biệt Data Warehouse và Data Lake
Vậy kế hoạch phục hồi sau thảm họa đóng vai trò gì? Ngắn gọn thì, phục hồi sau thảm họa là một quá trình phức tạp đòi hỏi doanh nghiệp phải sao chép toàn bộ môi trường IT của mình (dữ liệu, các hệ thống, mạng lưới và ứng dụng) đồng thời thiết lập quy trình cho phép họ phục hồi lại toàn bộ chức năng và khôi phục dữ liệu từ môi trường nhân bản này sang môi trường chính.
Mục đích của cả hai quá trình này đều là để đảm bảo doanh nghiệp không bị mất những dữ liệu giá trị.
Kế hoạch phục hồi sau thảm họa và kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục
Phục hồi sau thảm họa là một phần không thể thiếu của kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục (business continuity plan), đây cũng chính là chiến lược được soạn thảo hoàn chỉnh, bao gồm những thông tin cần thiết về việc nên duy trì hệ thống và quy trình nào cũng như cách đối phó trong trường hợp xảy ra sự cố.
Kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục cực kỳ cần thiết nếu khủng hoảng xảy ra, bắt buộc mọi doanh nghiệp đều phải có nhằm giúp xác định những yếu kém và các mối đe dọa tiềm ẩn, cũng như tìm ra được những biện pháp cần kíp để giảm thiểu rủi ro cũng như tránh ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của khách hàng do ngưng hoạt động. Nói cách khác, một bản kế hoạch đảm bảo kinh doanh chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn.
Đọc thêm: 5 câu hỏi sống còn cho lãnh đạo doanh nghiệp thời hậu COVID
Những loại kế hoạch phục hồi sau thảm họa
Kế hoạch phục hồi sau thảm họa phụ thuộc phần lớn vào cơ sở hạ tầng IT hiện tại của doanh nghiệp. Sau đây là những loại kế hoạch phục hồi sau thảm họa tiêu biểu:
1. Ảo hóa kế hoạch phục hồi sau thảm họa
Đây là một lựa chọn tiết kiệm nếu doanh nghiệp bạn không có đủ ngân sách để xây dựng một cơ sở vật chất khôi phục dữ liệu.
Ảo hóa là một quá trình tạo ra những bản sao ảo từ các hệ thống vận hành, server, kho dữ liệu và các nguồn tài nguyên mạng. Trong môi trường ảo hóa, việc khôi phục các chương trình sẽ được thực hiện thông qua các cụm máy ảo chỉ trong vòng vài phút.
Đọc thêm: Bạn đã từng nghe qua khái niệm "virtual desktop" chưa?
2. Phục hồi network sau thảm họa
Các sự cố về network có thể gây thiệt hại cho các phần mềm của doanh nghiệp và toàn bộ hạ tầng IT. Để đảm bảo doanh nghiệp luôn có một mạng lưới kết nối đáng tin cậy, bản kế hoạch phục hồi network sau thảm họa nên bao gồm một quy trình chỉ rõ từng bước về việc nên liên hệ với ai, thay thế thiết bị như thế nào và cần phải làm gì để phục hồi lại network.
3. Kế hoạch phục hồi sau thảm họa bằng điện toán đám mây
Phục hồi sau thảm họa bằng điện toán đám mây là sự kết hợp giữa các chiến lược và dịch vụ nhằm khôi phục dữ liệu hoặc các phần mềm thông qua đám mây công cộng (public cloud) hoặc cloud của các nhà cung cấp. Đây cũng là một lựa chọn tiết kiệm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải cân nhắc thêm các yếu tố như băng thông, chi phí lưu trữ cloud, vị trí của máy chủ vật lý và máy chủ ảo cũng như tính bảo mật và thỏa thuận với đối tác trước khi thực hiện.
4. Kế hoạch phục hồi các trung tâm dữ liệu sau thảm họa
Phương án này tập trung vào các trung tâm dữ liệu vật lý. Bản kế hoạch nên trình bày chi tiết các cách xác định, đánh giá, giải quyết và giảm thiểu những rủi ro có thể gây hại đến địa điểm xây dựng, các hệ thống HVAC, an ninh vật lý, nhân sự hỗ trợ và rất nhiều thứ nữa. Việc chuẩn bị kế hoạch đòi hỏi dữ liệu đầu vào từ bộ phận IT, quản lý của cơ sở cũng như các chuyên gia bảo mật.
Bất kể công ty của bạn có lựa chọn loại kế hoạch nào đi chăng nữa, hãy bắt đầu từ cấp độ doanh nghiệp và tập trung vào những phần mềm, dữ liệu cũng như các hệ thống quan trọng. Kế hoạch cũng nên ước tính khoảng thời gian doanh nghiệp được phép ngừng hoạt động tính bằng giờ, phút hay thậm chí bằng giây.
Đọc thêm: AWS quản lý và duy trì các trung tâm dữ liệu của mình như thế nào?
Làm thế nào một kế hoạch phục hồi sau thảm họa có thể bảo vệ dữ liệu tài chính?
Dữ liệu tài chính là một trong những tài sản giá trị nhất của một tổ chức. Những dữ liệu có tính nhạy cảm cao chính là kho báu khổng lồ của bọn tội phạm mạng. Khi doanh nghiệp của bạn sở hữu một lượng dữ liệu tài chính đáng kể thì việc bị tấn công là không thể tránh khỏi.
Hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu hệ thống của bạn bị sập trong vài giờ và những kẻ tấn công lợi dụng thời cơ lẻn vào rồi xóa sạch mọi dữ liệu của nhân viên và khách hàng? Điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng của bạn trải rộng khắp năm châu? Hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng và không chỉ dừng ở mức độ thiệt hại về kinh tế.
Nếu không có một kế hoạch phục hồi thích hợp và kịp thời, những lỗ hổng bảo mật sẽ khiến khách hàng mất niềm tin vào bạn và họ rất có thể sẽ hợp tác với một đối tác khác an toàn hơn, hoặc thậm chí việc đình trệ còn có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong ngành.
Tóm lại, các doanh nghiệp không thể nào đợi đến phút cuối mới lên kế hoạch. Chỉ khi nào chuẩn bị đầy đủ để đối phó với tình huống xấu nhất thì doanh nghiệp mới có đủ tự tin để hoạt động trong hiện tại.
TRG hân hạnh là một đối tác đáng tin cậy, luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn và tìm kiếm giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp bạn giải các bài toán công nghệ phức tạp đồng thời hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Cùng tìm hiểu các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số mà TRG cung cấp ngay hôm nay!
Nguồn:
1. Veritis, "Disaster Recovery 2019 Statistics – Insights That Shape Your Business Future", Veritis, June 23, 2019, https://www.veritis.com/blog/disaster-recovery-2019-statistics-insights-that-shape-your-business-future/
2. WHO, "WHO reports fivefold increase in cyber attacks, urges vigilance", WHO, April 23, 2020 https://www.who.int/news-room/detail/23-04-2020-who-reports-fivefold-increase-in-cyber-attacks-urges-vigilance
3. Osborne, Charlie, "COVID-19 blamed for 238% surge in cyberattacks against banks", ZDNet, May 14, 2020, https://www.zdnet.com/article/covid-19-blamed-for-238-surge-in-cyberattacks-against-banks/