Việc những lớp nhân viên trẻ dần thay thế những thế hệ đi trước trong cơ cấu thị trường lao động đã tạo nên một sự chuyển tiếp lớn ở doanh nghiệp. Từ đó sản sinh ra nhu cầu cấp bách thúc đẩy sự phát triển của những nhân viên tiềm năng, nhằm kế nhiệm các vị trí lãnh đạo sau khi lớp lãnh đạo trước nghỉ hưu. Phát triển lãnh đạo chắc chắn là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp hiện nay, nhưng liệu có thể được giải quyết chỉ bằng một cái búng tay hay không?
Đọc thêm: 10 lời khuyên cho những lãnh đạo mới
Nguồn: ManPowerGroup
Phát triển lãnh đạo cho doanh nghiệp không khác gì huấn luyện vận động viên. Họ đến với bạn với tư cách những tài năng, nhưng còn non nớt, đôi khi vụng về do thiếu kinh nghiệm. Họ khao khát trở thành nhà lãnh đạo tài giỏi và thành công. Để rồi cuối cùng, sau khi trải qua quá trình phát triển lãnh đạo căng thẳng, có những người sẽ vụt sáng thành sao, trở thành những nhà lãnh đạo thành công.
Ngược lại, có những người sẽ thất bại trên con đường đạt được mục tiêu của mình. Sự thật cay đắng là tình trạng này dường như xảy ra rất nhiều ở các doanh nghiệp ngày nay, cho dù họ quan tâm (và chi trả) rất nhiều cho các chương trình phát triển lãnh đạo.
Đọc thêm: Những yếu tố quan trọng làm nên nhà lãnh đạo giỏi
Cái giá cho những thất bại này không hề rẻ - các công ty Mỹ đã chi ra khoảng 164,2 tỉ USD cho các chương trình phát triển lãnh đạo chỉ trong năm 2013, nhưng chỉ 35% số lãnh đạo tiềm năng có khả năng đáp ứng và vượt trội hơn so với nhu cầu của tương lai.
Có nhiều lý do, nhưng các doanh nghiệp thường cùng phạm phải một vài sai lầm giống nhau khi thực hiện chương trình phát triển lãnh đạo. Và một trong số đó chính là quan niệm sai về khái niệm "phát triển lãnh đạo".
Thế nào là “Phát triển lãnh đạo?” Một cách tổng quan, đó chính là bất kỳ hoạt động nào có thể góp phần cải thiện chất lượng lãnh đạo trong doanh nghiệp. Nhưng thật ra định nghĩa này khá rộng và rất dễ gây hiểu nhầm. Bạn nên lưu ý rằng:
- Lãnh đạo và Quản lý là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, vì thế cốt lõi của hai hướng phát triển cũng khác nhau. Phát triển quản lý đòi hỏi kiến thức và những kỹ năng cứng cần thiết để nâng cao hiệu suất làm việc và chất lượng của kết quả. Trong khi đó, phát triển lãnh đạo hướng đến cải thiện kỹ năng nhằm tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, tạo ảnh hưởng tích cực, cũng như giúp nhân viên trong doanh nghiệp phát triển bản thân.
- Phát triển lãnh đạo cũng có nghĩa là hoàn thiện bản thân. Một số người thiếu sót khi nghĩ phát triển lãnh đạo chỉ nhắm đến cải thiện kỹ năng để tạo ảnh hưởng đến người khác hay chuẩn bị hoạch định kế nhiệm. Trên thực tế, phát triển bản thân không phải là một phần riêng biệt mà chính là một phần quan trọng trong chương trình phát triển lãnh đạo. Nếu bạn không thể hoàn thiện bản thân, thì bạn khó có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh.
Đọc thêm: So sánh kỹ năng của lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp trên thế giới
Tóm lại, phát triển lãnh đạo nên bao gồm cả tự phát triển bản thân và nâng cao tầm ảnh hưởng của mình đến những người khác trong doanh nghiệp. Chương trình lãnh đạo có thể đi song song với việc huấn luyện quản lý để bổ sung lẫn nhau và cùng góp phần cho thành công của một nhà quản lý thực thụ. Tuy nhiên, chương trình phát triển lãnh đạo nên tập trung vào cải thiện tác phong lãnh đạo của các nhà lãnh đạo tiềm năng hơn là hiệu suất làm việc của họ.