Lập kế hoạch kinh doanh tích hợp (integrated business planning, IBP) là một bước tiến mới thay thế quy trình lập kế hoạch bán hàng và vận hành truyền thống (Sales & Operations planning, S&OP). IBP có khả năng đồng nhất kế hoạch bán hàng, chiến lược kinh doanh và vận hành cùng với tình hình tài chính của toàn doanh nghiệp.
S&OP vẫn đang được dùng phổ biến tại một số doanh nghiệp, tuy nhiên rất ít trong số đó triển khai một quy trình S&OP tích hợp toàn bộ mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp triển khai S&OP với mối quan tâm hàng đầu là dự đoán nhu cầu thay vì đồng bộ hóa nhu cầu cung ứng do những cân nhắc thay đổi trong vận hành, hậu cần hoặc mục tiêu tài chính của doanh nghiệp.
Nguyên nhân phổ biến của sự đứt đoạn này là do thiếu đồng nhất giữa quản lý điều hành, quản lý cấp cao và những nhân viên chịu trách nhiệm xử lý các hoạt động chi tiết.
Tại sao nên chú trọng lập kế hoạch kinh doanh tích hợp (IBP)?
IBP giúp cải thiện độ hiệu quả của các quy trình S&OP bằng cách tăng cường liên kết và đồng bộ hóa mọi bộ phận nhằm đem đến giá trị cho toàn doanh nghiệp. Phương thức này hỗ trợ kế hoạch nhu cầu toàn doanh nghiệp, cân bằng khả năng cung-cầu đồng thời hỗ trợ tích hợp kế hoạch tài chính và vận hành. Ngoài ra, IBP còn liên kết những kế hoạch chiến lược tầm cao với những hoạt động kinh doanh thường nhật.
Theo Gartner, không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với thử thách phát triển một chiến lược IBP hiệu quả do:
- Thiếu định hướng chiến lược, hoặc thông tin giá trị không được truyền tải hiệu quả
- Quy trình kinh doanh không liên kết hoặc khả năng tích hợp kém
- Khả năng quản lý thời gian kém trong chu trình lập kế hoạch
- Hệ thống phân mảnh, rời rạc và lạm dụng Excel quá nhiều
Cấu trúc hệ thống rời rạc, dữ liệu không liên kết sẽ không thể nào đem đến thông tin minh bạch và quyết định chính xác cần thiết để hỗ trợ chuỗi cung ứng đầu cuối phức tạp hiện nay.
Chuyển đổi từ S&OP sang IBP
Nếu S&OP đem đến giá trị đáng kể cho doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận quản lý nhu cầu, phương thức này thường chỉ dừng ở mức độ xem như một công cụ dành cho vận hành. Lý do là vì đây không phải là một quy trình tích hợp dành riêng cho doanh nghiệp với tất cả bộ phận kinh doanh chiến lược. S&OP đem đến giá trị tuyệt đối khi doanh nghiệp biết liên kết và đồng nhất mục tiêu chiến lược và tài chính.
S&OP tách biệt những quy trình cung ứng ra khỏi những bộ phận kinh doanh địa phương, trong khi IBP xây dựng dựa trên S&OP có khả năng đảm bảo doanh nghiệp luôn tập trung vào mục tiêu, gắn kết và đồng bộ hóa mọi bộ phận trong doanh nghiệp. Theo truyền thống, các giải pháp S&OP gặp khó khăn khi liên kết hoạt động kinh doanh thường nhật với những mục tiêu chiến lược có quy mô rộng lớn hơn. Với IBP, số lượng các bên liên quan đến quyết định chiến lược và vận hành chuỗi cung ứng sẽ gia tăng, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp thành công về mặt tài chính.
IBP đem đến:
- Khả năng tích hợp tài chính và quy trình lập ngân sách
- Bao hàm các ý tưởng chiến lược và hoạt động lập kế hoạch
- Cải thiện khả năng giả định và các mô hình tình huống “nếu như”
Đọc tiếp Phần 2 của bài để tìm hiểu về mô hình cấu thành IBP.