Phỏng vấn là cơ hội gần như duy nhất để bạn gặp gỡ và tìm hiểu về ứng viên của mình. Nhưng khi không được thực hiện một cách hợp lý, phỏng vấn sẽ là phương án đánh giá ứng viên kém hiệu quả nhất. Vậy làm thế nào để tận dụng được tối đa từng phút phỏng vấn?
Buổi tọa đàm chủ đề “Câu hỏi phỏng vấn hành vi” thuộc chuỗi sự kiện TRG Talk – Talent diễn ra tuần rồi cũng đã đề cập đến vấn đề này. Với lời khẳng định rằng phỏng vấn không phải là một nghệ thuật mà người phỏng vấn phải là nghệ sỹ, các diễn giả của TRG International cho rằng phỏng vấn thực tế là một quy trình mà bạn hoàn toàn có thể cải thiện được nếu biết cách tận dụng 4 dạng câu hỏi sau:
- CÂU HỎI TRUYỀN THỐNG
Dạng câu hỏi này xuất hiện với mức độ dày đặc, thậm chí là mặc định phải có trong các buổi phỏng vấn. Những câu hỏi như “Hãy giới thiệu về bản thân mình”, “Điểm mạnh/yếu của bạn là gì?” hay “Tại sao bạn nghỉ công việc trước đây?” là những đại diện tiêu biểu nhất. Và chính vì sự phổ biến này mà các ứng viên thường chuẩn bị kỹ càng, nhào nặn và tô điểm cho câu trả lời của mình một cách ấn tượng, đến nỗi nhà tuyển dụng khó phân biệt được thật giả. Tóm lại, dạng câu hỏi truyền thống chỉ nên được sử dụng cho mục đích tạo bầu không khí thân thiện ban đầu để ứng viên cởi mở hơn.
- CÂU HỎI MẸO
Diễn giả của TRG có nhắc đến một câu hỏi mẹo nổi tiếng trong các cuộc phỏng vấn của Google “Một chiếc Boeing 747 có thể chứa được bao nhiêu quả bóng tennis?” Đây là một trong số vô vàn những ví dụ về câu hỏi mẹo, thường được sử dụng với những vị trí yêu cầu nhân viên phải có khả năng phản hồi nhanh chóng với những thử thách không lường trước. Nhưng dạng câu hỏi này cũng không dự đoán được hiệu suất làm việc hay khả năng suy luận và xử lý vấn đề của ứng viên. Và trên hết, mục đích của câu hỏi mẹo chỉ là khiến cho nhà tuyển dụng trở nên uyên bác hơn trong mắt ứng viên mà thôi!
- CÂU HỎI XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
Trong các bài viết về phỏng vấn của TRG, chúng tôi thường nhắc đến 2 dạng câu hỏi hành vi nên sử dụng là MSA (Most Significant Achievement) và PSQ (Problem Solving Questions). Câu hỏi xử lý tình huống chính là dạng PSQ. Tùy vào công việc mà doanh nghiệp sẽ xây dựng những câu hỏi tình huống có liên quan đến các khía cạnh quan trọng của vị trí đó hoặc một số tình huống thường xảy ra trong môi trường làm việc và văn hóa của công ty. Tùy vào cách xử lý tình huống của ứng viên mà người phỏng vấn sẽ nắm được sự tương quan giữa hành vi gốc của ứng viên với hướng xử lý này, xác định xem ứng viên có thể gặp khó khăn hoặc thách thức gì trong môi trường và công việc này.
- CÂU HỎI DỰA TRÊN THÀNH TÍCH/KINH NGHIỆM QUÁ KHỨ
Theo chia sẻ từ các chuyên gia, dạng câu hỏi xử lý tình huống sẽ phát huy được hiệu quả tốt nhất nếu đi sau một (hoặc một số) câu hỏi hành vi dựa trên thành tích hoặc kinh nghiệm trong quá khứ. Cũng được xây dựng dựa trên những kỹ năng trọng yếu quyết định đến thành công trong vị trí, các câu hỏi này sẽ giúp tìm hiểu kinh nghiệm có liên quan của ứng viên và đánh giá khả năng xử lý tình huống tương tự trong tương lai. Đồng thời, việc sử dụng hai dạng câu hỏi ở mục 3 và 4 sẽ hỗ trợ người phỏng vấn xác định sự nhất quán trong hành vi của ứng viên. Đây là yếu tố quan trọng để kiểm tra xem ứng viên có thể hiện nhất quán trong những tình huống khác nhau không.
Một buổi phỏng vấn hiệu quả sẽ kết hợp 4 dạng câu hỏi trên nhưng tập trung vào dạng 3 và dạng 4. Đừng dùng một bộ câu hỏi mẫu không điều chỉnh để áp dụng cho mọi vị trí. Hãy tìm hiểu thật kỹ những yêu cầu công việc và môi trường, văn hóa doanh nghiệp để xây dựng được bộ câu hỏi hành vi hiệu quả nhất.