Trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những vấn đề về môi trường, việc xây dựng một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả cũn dần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khách sạn.
Không chỉ đơn thuần là giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, quá trình xử lý một cách khoa học cũng góp phần thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài.
Trong ngành khách sạn, rác thải sinh hoạt, thực phẩm thừa, đồ dùng một lần, trang thiết bị điện tử lạc hậu... là những loại rác thải thường gặp. Vậy làm thế nào để xử lý hiệu quả các loại rác thải này, vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru?
Đây chính là câu hỏi mà nhiều nhà quản lý khách sạn đang tìm kiếm câu trả lời.
Đọc thêm: Những cái bẫy cần tránh khi Khách sạn muốn thân thiện với môi trường
Nội dung
- Tại sao quản lý chất thải là vấn đề đáng quan tâm?
- Nguyên nhân gây lãng phí trong ngành dịch vụ nhà hàng
- Phân loại rác thải
Tại sao quản lý chất thải là vấn đề đáng quan tâm?
Ngành khách sạn đang đối mặt với một thực trạng đáng báo động: hàng triệu tấn rác thải từ các khách sạn đổ ra môi trường mỗi năm, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đe dọa sự sống của nhiều loài động thực vật.
Việc xử lý lượng rác thải khổng lồ này không chỉ gây tốn kém mà còn là một thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải hiệu quả không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khách sạn nâng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày nay có ý thức cao hơn về bảo vệ môi trường. Vì vậy, họ mong đợi doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều có ý thức trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động bền vững.
Bằng cách giảm thiểu lượng rác thải, tái chế và tận dụng tối đa nguồn lực, khách sạn vừa có thể tiết kiệm chi phí, vừa xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh, thu hút khách hàng trung thành và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
Đọc thêm: Cá nhân hóa hay Lợi nhuận: Khách sạn của bạn có cần sự đánh đổi?
Nguyên nhân gây lãng phí trong ngành dịch vụ nhà hàng
Chất thải thực phẩm
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm tại khách sạn bắt nguồn từ việc sản xuất vượt quá nhu cầu thực tế cộng với thiếu một kế hoạch thực đơn chi tiết và hệ thống quản lý hàng tồn kho hiệu quả.
Thói quen này, kết hợp với việc khó dự đoán chính xác khẩu vị và nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là những đối tượng có chế độ ăn kiêng đặc biệt hoặc sở thích theo mùa, đã càng làm vấn đề thêm nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây ra tổn thất kinh tế mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của các cơ sở kinh doanh.
Đọc thêm: Ngành khách sạn phải làm gì để đáp ứng kỳ vọng mới của du khách?
Trang thiết bị lỗi thời và không hoạt động
Các thiết bị thường không được xử lý thỏa đáng, đa số đều bị vứt vào bãi rác, làm gia tăng thêm gánh nặng cho vấn đề rác thải điện tử. Các hệ thống HVAC, đèn chiếu sáng và thiết bị nhà bếp cũ thường tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, gián tiếp góp phần tăng lượng khí thải vào môi trường.
Hơn nữa, các thiết bị cũ, lỗi thời còn tiêu tốn của doanh nghiệp một khoảng chi phí không nhỏ để bảo trì và vận hành, gây thêm áp lực cho tài nguyên. Việc thiết bị cũ hỏng thường xuyên có thể dẫn đến gia tăng chất thải điện tử khi các bộ phận được thay thế hoặc toàn bộ thiết bị bị loại bỏ.
Quy trình tái chế không hiệu quả
Quản lý và xử lý chất thải thường bị xem nhẹ, không nhận được sự chú ý như những dịch vụ khách hàng khác dù đây là một chủ đề nổi trội hiện nay.
Một quan niệm sai lầm phổ biến trong các doanh nghiệp là việc triển khai các hoạt động tái chế tốn quá nhiều thời gian và công sức. Thực tế, thiếu hụt cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và ý thức của nhân viên là những rào cản chính ngăn cản việc tối ưu hóa quy trình xử lý chất thải, dẫn đến lãng phí tài nguyên và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Đọc thêm: Ngân sách khách sạn: Chiến lược tối ưu hóa hoạt động và lợi nhuận
Phân loại rác thải
Để quản lý hiệu quả các loại rác thải khác nhau, doanh nghiệp khách sạn có thể kết hợp các chiến lược giảm thiểu, tái chế và xử lý khác nhau:
- Rác hữu cơ: Thức phẩm thừa thay vì thẳng tay vứt bỏ nên được chuyển đến nơi xử lý phù hợp, triển khai các chương trình ủ hoặc phân hủy bằng vi sinh, biến vật liệu hữu cơ thành đất giàu dinh dưỡng phục vụ nhu cầu trồng cây cảnh, v.v.
- Giấy và bìa cứng: Thúc đẩy số hóa toàn doanh nghiệp cùng với phát triển những chương trình tái chế hấp dẫn có thể phần nào giúp giảm thiểu số lượng rác thải làm từ giấy.
- Nhựa dùng một lần: Cung cấp thêm những thùng đựng rác tái chế chuyên dụng, yhay thế các vật dụng làm từ nhựa như chai nước và hộp đựng đồ dùng vệ sinh cá nhân… bằng các lựa chọn thân thiện hơn với môi trường.
- Thủy tinh và kim loại: Các vỏ lon thức uống và bao bì làm từ thủy tinh, kim loại nên được thu gom, dán nhãn rõ ràng và tái chế thông qua các hệ thống xử lý có tổ chức.
- Rác thải độc hại: Các sản phẩm vệ sinh, pin và các vật liệu độc hại khác cần có điểm thu gom an toàn. Doanh nghiệp có thể hợp tác với các tố chức được cấp phép chuyên xử lý rác thải độc hải để giảm thiểu tối đa rủi ro cho môi trường.
- Rác thải điện tử: Các thiết bị điện tử cũ cần được xử lý cẩn thận tại các cơ sở tái chế rác thải điện tử được chứng nhận để đảm bảo xử lý đúng cách.
- Hàng dệt may và các mặt hàng cồng kềnh: Các mặt hàng như khăn trải giường, đồ nội thất và nệm cũ nếu còn sử dụng được có thể được quyên góp cho những tổ chức từ thiện tại địa phương, trong khi các chương trình tái chế chuyên biệt có thể được sử dụng cho những mặt hàng không sử dụng được.
Tựu trung, việc quản lý chất thải trong ngành dịch vụ khách sạn không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp bách. Tối ưu hóa quy trình xử lý rác thải không chỉ giúp khách sạn bảo vệ môi trường mà còn giảm thiểu lãng phí tài nguyên, nâng cao hình ảnh thương hiệu và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng về du lịch bền vững.